Cơ duyên đưa Thu Hà đến với việc nghiên cứu về khoa học máy tính đặc biệt là khai phá các quy luật tiềm ẩn trong cơ sở dữ liệu lớn (Big data) để trích rút ra tri thức là lúc chị bắt đầu tiếp cận với nhóm xử lý ngôn ngữ tự nhiên của ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia HN.

Trong giới khoa học lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay, các anh em trẻ như một cộng đồng cùng nhau phát triển. Những lúc tôi mệt mỏi, không tìm ra hướng đi đều có những bàn tay sẵn sàng đưa ra giúp đi tiếp. Tôi cảm thấy mình thực sự phù hợp với môi trường này và ngoài việc nghiên cứu khoa học cho bản thân, tôi còn có thể giao lưu học thuật cùng giới khoa học trong ngành. Đó là chia sẻ của TS trẻ Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Điện lực.

Thuận lợi khai phá tri thức

TS. Nguyễn Thị Thu Hà
TS. Nguyễn Thị Thu Hà

Sinh năm 1980, cơ duyên đưa Nguyễn Thị Thu Hà đến với việc nghiên cứu về khoa học máy tính đặc biệt là khai phá các quy luật tiềm ẩn trong cơ sở dữ liệu lớn (Big data) để trích rút ra tri thức là lúc chị bắt đầu tiếp cận với nhóm xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thầy Hà Quang Thụy là người đầu tiên đã kết nối cho Thu Hà được làm việc và cộng tác với một nhóm các tiến sĩ trẻ của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST): PGS.TS Nguyễn Lê Minh, TS. Nguyễn Phương Thái, TS. Nguyễn Văn Vinh. Các thầy, các anh đã chỉ cho Hà những vấn đề mà khoa học thế giới đang quan tâm lúc bấy giờ và khẳng định rằng con đường Hà đã lựa chọn là có cơ sở vững chắc và có thể phát triển tốt. Đặc biệt với sự am hiểu tiếng Trung của Hà sẽ là thuận lợi khi áp dụng xử lý những vấn đề với ngôn ngữ tiếng Việt trong khi khai phá tri thức.

May mắn tiếp theo của Hà là được đào tạo trong môi trường Quân đội – Học viện Kỹ thuật Quân sự. Một môi trường có tính nguyên tắc và kỷ luật. Thầy Đào Thanh Tĩnh, thầy Bùi Thu Lâm cùng các thầy, các anh trong khoa công nghệ thông tin luôn động viên Hà cố gắng, nỗ lực, giúp đỡ Hà hòa nhập vào tập thể của khoa, tham gia các buổi sinh hoạt, học thuật…

“Trong giới khoa học lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay, các anh em trẻ như một cộng đồng cùng nhau phát triển. Những lúc tôi mệt mỏi, không tìm ra hướng đi đều có những bàn tay sẵn sàng đưa ra giúp đi tiếp. Tôi cảm thấy mình thực sự phù hợp với môi trường này và ngoài việc nghiên cứu khoa học cho bản thân, tôi còn có thể giao lưu học thuật cùng giới khoa học trong ngành”, TS. Thu Hà bộc bạch.

Khi nói về thành công trong nghiên cứu khoa học của mình, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, chị đã có 8 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín; 13 bài hội thảo quốc tế; 4 bài báo đăng trên tạp chí trong nước; 7 bài hội thảo trong nước. Chị cũng đã thực hiện 3 chuyên khảo; 8 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, 5 công trình đang ứng dụng thực tế. Trong đó chị chủ trì một công trình đang ứng dụng rộng rãi, phân cấp quản lý trong tập đoàn Điện lực Việt Nam đó là: Hệ thống quản lý đào tạo cán bộ ngành Điện, hiện sử dụng cho toàn ngành điện với gần 1500 tài khoản phân cấp quản lý, đơn vị, học viên, …

Công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thứ hai là phần mềm tra cứu tiền điện và thanh toán trực tuyến trên điện thoại di động. Phần mềm này thu thập dữ liệu tự động từ công tơ điện tử một pha, cho phép hộ dùng điện tra cứu tiền điện và thanh toán trực tuyến trên điện thoại di động, hỗ trợ tra cứu qua tin nhắn SMS, đăng ký hợp đồng mới trực tuyến. Ngoài ra, sản phẩm mang tính ứng dụng kể đến nữa là phần mềm quản lý tạp chí trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến Elearning, hệ thống đăng ký tuyển sinh trực tuyến (mới ứng dụng từ tháng 6/2015).

Thành công là vậy, tuy nhiên theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà những khó khăn chính đối với nhà khoa học trẻ như chị hiện nay là thu nhập, môi trường làm việc và điều kiện sống. Với môi trường nghiên cứu khoa học hiện tại, Hà nghĩ có thể tạo được một phần điều kiện cho những người trẻ phát huy khả năng.

Nói về những tác động của xã hội hiện tại khiến nhiều nhà khoa học trẻ đặt vấn đề chuyển hướng nghề nghiệp. Có một số nhà khoa học trẻ chia sẻ rằng sau một thời gian theo đuổi nghiên cứu mà vẫn không thể sống bằng nghề, trong khi họ có đủ khả năng tự mở công ty hoặc có việc làm lương cao.

Từ thực tế công việc và nghiên cứu của mình, theo quan điểm Hà, nghiên cứu khoa học và đưa các nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn là rất quan trọng nếu những nghiên cứu đó giúp ích cho sự phát triển của đất nước. Nếu có thể đưa được những nghiên cứu vào thực tiễn hoặc nhận được các chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, nhà khoa học trẻ sẽ có thể yên tâm hơn để sống bằng nghề. Thông thường, với những nhà khoa học trẻ đã có thành tích nghiên cứu họ sẽ có những say mê cháy bỏng với nghề mà họ đã lựa chọn, việc chuyển hướng nghề nghiệp chỉ là lựa chọn trong trường hợp bất đắc dĩ.

Mong chờ chính sách thực thi

TS. Nguyễn Thị Thu Hà
TS. Nguyễn Thị Thu Hà

Ngày 11/9 tới, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cho hơn 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trẻ nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình với Chính phủ, để từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp cho họ phát triển cũng như cập nhật nhu cầu khoa học công nghệ của đất nước…

Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Điện lực cho hay, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chính sách để thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học trong nước, đặc biệt là những chế độ, chính sách cho các nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, các trường Đại học cũng đưa ra rất nhiều chính sách đãi ngộ.

TS Hà đề cao sự cố gắng nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước. Đây là “chính sách” đầu tiên chị được hưởng, đó là sự bất ngờ cũng như vinh dự khi được lựa chọn là một trong số các nhà khoa học trẻ tiêu biểu được gặp gỡ Lãnh đạo Chính Phủ trong tháng 9/2015.

Được lựa chọn là một trong những nhà khoa học trẻ tiêu biểu tham dự cuộc gặp với Thủ tướng, TS Hà muốn nói lời nói đầu tiên là cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ đã sắp xếp buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa này và có những tiêu chí rất rõ ràng khi chọn lựa.

Để thu hút các nhà khoa học trẻ, theo chị cần có chế độ đãi ngộ hơn nữa đối với các nhà khoa học trẻ về thu nhập, điều kiện cuộc sống và môi trường làm việc. Đặc biệt là môi trường làm việc.

“Khoa học là sáng tạo. Người trẻ thường có rất nhiều sáng kiến, đề xuất, cải tiến, đôi khi họ hơi cá tính.... Nếu sử dụng được những sáng kiến của người trẻ sẽ giúp ích rất nhiều trong đời sống, kinh tế, xã hội... Tôi mong muốn có một môi trường nghiên cứu khoa học bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, địa vị mà trọng tâm vào những công trình khoa học, đề tài khoa học có ý nghĩa”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học thường tốn kém thời gian và chi phí trong giai đoạn đầu. Hà nghĩ rằng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ cần tạo điều kiện cho họ về mặt thời gian và kinh phí. Giả sử đối với các công trình khoa học công bố quốc tế được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, phí công bố (trong trường hợp cần thiết).

Đối với những nghiên cứu có định hướng ứng dụng, nhà nước có thể hỗ trợ bằng việc cấp kinh phí, giới thiệu đơn vị tài trợ hoặc phối hợp để nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần có sự quan tâm tới hoạt động khoa học và công nghệ hơn nữa thông qua truyền thông, vinh danh, giải thưởng,...để kích thích sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ.