Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) phát hiện lượng khí methane giải phóng vào bầu khí quyển trong giai đoạn từ năm 2013 – 2018 tăng 50% so với 5 năm trước đó.

Nồng độ khí methane trong khí quyển. Ảnh: NOAA
Nồng độ khí methane trong khí quyển. Ảnh: NOAA

Hiện nay, nồng độ methane (CH4) trung bình trong khí quyển khoảng 1.850 ppb [trong 1 tỷ phân tử không khí có 1.850 phân tử methane].

Khí methane là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra sự nóng lên toàn cầu sau khí carbon dioxide (CO2). Nó là loại khí nhà kính mạnh hơn 28 lần so với CO2 và có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển hơn 100 năm.

Grant Allen, nhà vật lý khí quyển tại Đại học Manchester, nói rằng nồng độ cao kỷ lục của methane trong khí quyển sẽ khiến việc thực hiện các mục tiêu theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015 trở nên khó khăn hơn.

Các mô hình khí quyển cho thấy lượng khí methane tăng lên chủ yếu có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới.

“Khi nhiệt độ Trái đất ngày càng cao, cộng đồng vi sinh vật tại các vùng đất ngập nước hoạt động tích cực hơn, giải phóng thêm nhiều khí methane trong quá trình phân giải các chất hữu cơ. Khí methane bay vào khí quyển làm gia tăng hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đây là một vòng lặp tự nhiên mà con người rất khó kiểm soát”, Allen cho biết.