Cho tới giờ, chẳng ai nghĩ Phạm Minh Thiện, người thừa kế trang trại và ký túc xá thiện nguyện mang tên Cỏ May là một doanh nhân, hay một người làm khoa học, bởi anh luôn thích xuất hiện như một nông dân.

Vậy mà, ông nông dân này vừa nhắn tin, thông báo đã thành lập thêm một công ty nông nghiệp công nghệ cao nữa, “để mà chạy cho kịp thế giới trong thời buổi cái gì cũng 4.0 hết trơn”.

Từ ký túc xá nông nghiệp đến nhà máy R&D

Tôi biết Thiện, với vai trò trợ lý ông Phạm Văn Bên – một doanh nhân hàng đầu của tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt với việc ông là người đầu tiên bán được gạo Việt có thương hiệu ở các siêu thị Singapore, sau đó là Nhật Bản. Tiếp đến, là việc ông quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng xây ký túc xá cho sinh viên nghèo muốn theo học ngành nông nghiệp. Không chỉ là ký túc xá, mà kèm theo đó là học bổng, tiền sinh hoạt phí… Đơn giản, như cách nói của ông lúc đó, là xã hội cần nhiều nhà nông nghiệp giỏi, mà ai cũng đi học mấy ngành thời thượng thì không được…

Rồi ông Bên đột ngột qua đời, mọi thứ đổ hết lên đầu Thiện, kể cái ký túc xá nông nghiệp càng ngày càng to ra. Thiện cười: “Thì chuyện đúng mình cứ làm. Đầu tư thêm chút tiền, cũng không ảnh hưởng gì mấy tới sản nghiệp mà ông già đã gầy dựng, nhưng mấy bạn trẻ, học thành tài, đi bốn phương, rồi về thắp cho ông già nén hương, là tui sướng”.

Nhưng vậy đâu có đủ, với một truyền nhân của người doanh nhân tử tế Phạm Văn Bên. Thiện cười: “Thì tui cũng âm mưu nhiều thứ, chẳng hạn đòi xây cái trung tâm nghiên cứu sáng tạo – gọi tắt là R&D, để tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản. Nhưng lúc còn sống, ông già đâu có chịu. Hết nước, tui giở bài tủ ra, nói bừa: “Ba bỏ ra mấy chục tỷ xây ký túc xá được, thì con cũng xây nhà máy R&D được chứ”. Ông Bên gật đầu.

Thế là, dự án nhà máy chiết xuất hợp chất Gamma Oryzanol từ cám gạo, vốn 20 tỷ đồng, ra đời, thoạt nghe rất táo bạo, đầy rủi ro, nhưng “đó là rủi ro cần thiết”, theo Phạm Minh Thiện. Ba thứ ban đầu cần làm: một là nhân lực, hai là công nghệ, ba là nghiên cứu. Con người là quan trọng nhất, và có vẻ là nan giải nhất. Thiện quan sát thấy ở các trường đại học, rất nhiều nhà khoa học nước ngoài về, nhưng rồi do thiếu đất dụng võ, kiến thức bị mai một. Thế là Thiện tìm đến, mời về dự án của mình cùng làm chuyện lớn, bồi thường hợp đồng cho các trường, trả lương cao, cùng bắt tay vào “trích ly tinh dầu cám”.


Cỏ May, nhờ có nhà máy thức ăn thủy sản, nên nguồn cám nguyên liệu để nghiên cứu không thiếu. Nhưng Thiện muốn đi tìm công nghệ trích ly mới, thân thiện với môi trường. Thế là bắt tay vào nghiên cứu. “Đó là cuộc dấn thân… tốn kém”, Thiện nói. Thế rồi, lần đầu mang mẫu cám sang châu Âu để đưa vào thiết bị của họ trích ly thử. “Lúc nguyên liệu đưa vào, anh em hồi hộp lắm. Khi nhìn thấy những giọt dầu cám đầu tiên màu xanh rất đẹp, hương thơm dịu nhẹ, lúc đó thấy “đã” lắm”. Nhưng rồi, hàng loạt các vấn đề được đặt ra: tiếp theo làm gì, quy mô đầu tư bao nhiêu tiền? Công suất như thế nào? Rồi lãi vay, chi phí khấu hao, giá thành sản phẩm…

Thêm hơn một năm đàm phán để sở hữu trong tay thiết bị nghiên cứu trị giá 10 tỉ đồng. Dự án như một cỗ máy xay tiền, “cứ nhìn chi phí hằng tháng thì sẽ thấy rõ. Nhưng đó là sự mất mát cần thiết”. Tiền tỷ cứ thế chảy đi. “Chẳng ai bỏ tiền tỉ để đầu tư nửa vời, hơn ai hết, nhà đầu tư phải dấn thân, phải lì đòn. Nếu ngại rủi ro, không dám dấn thân, không thể tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn. Kỳ tích chỉ có thể xảy ra khi tạo giá trị gia tăng”. Sau cám là đến nấm, rồi các phụ phẩm đầy tiềm năng vốn đang bị lãng quên khác.

Một giấc mơ công nghệ cao… có thật

Doanh nghiệp Cỏ May ra đời năm 1981 ở tỉnh Đồng Tháp, hiện tại Cỏ May hoạt động trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến nông nghiệp như chế biến gạo và sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn gia súc gia cầm. Trong chế biến gạo thì có phụ phẩm là cám tươi, chế biến thủy sản thì cần có cám trích béo để điều tiết năng lượng trong khẩu phần ăn của con cá.

Đầu năm 2015, cách đây 3 năm, sau một thời gian nghiên cứu tài liệu, Thiện quyết định nhập một máy CO2 siêu tới hạn ở quy mô phòng thí nghiệm để nghiên cứu theo hướng R&D, nhận thấy tiềm năng nông nghiệp ở quê mình còn rất nhiều, lớn mà chưa được khai thác.

“Khi nhìn vào bất kỳ loại cây, loại trái gì đó thì cũng có chuyện để làm, và từ đó tui bắt đầu vào các dự án R&D. Mặc dầu không có chuyên môn, tui tổ chức một bộ phận nghiên cứu, vẫn chưa mang lại kết quả hay thành công gì đặc biệt hết, thì cuộc cách mạng công nghiệp mới đã đến, như những vấn đề các bạn có chia sẻ về internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo. Mình thấy cuộc cách mạng này nó không phải là nghiên cứu ra một sản phẩm mới, mà nó tạo ra một giải pháp mới dành cho những sản phẩm cũ. Sau nhiều đêm suy nghĩ nát nước, nhận thấy có quá nhiều vấn đề, cơ hội tìềm năng, tui quyết định dấn thân vào lĩnh vực này, thành lập một công ty Cỏ May Automation tại thành phố Hồ Chí Minh chuyên hoạt động về lĩnh vực công nghệ, giải pháp tự động hoá, trí tuệ nhân tạo bên cạnh một công ty R&D đang có. Kỳ vọng duy nhất, là Cỏ May theo kịp trào lưu phát triển, không bị bỏ lại như một số thương hiệu lớn vừa qua” – Thiện kể, hiền khô và chân chất như con người của anh.

“Trong cái trí tuệ nhân tạo, những giải pháp nhỏ nhưng nó mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp. Ví dụ như Thiện có một công ty về hoa kiểng ở Sa Đéc tên là Cỏ May Bách Hoa chuyên kinh doanh dựa trên những sản vật địa phương mà bà con ở đây đang làm được, kết hợp với công nghệ tự động hóa, trí thông mình nhân tạo của cuộc cách mạng 4.0 vào để tạo ra một giá trị mới. Chẳng hạn, trồng hoa hồng thì hoa hồng nó tự biết tưới nước, nó tự biết bón phân và tự chăm sóc, trời nắng tự biết di chuyển đi tắm nắng, khi trời hết nắng tự biết di chuyển về chơi với chủ chẳng hạn. Rõ ràng những điều này đối với các anh em công nghệ, cơ khí hóa thì không khó, mình lấy hoa kiểng của mình kết hợp với ứng dụng công nghệ vào thì hoàn toàn mang lại một giá trị đặc biệt. Tui tự tin có thể kinh doanh lĩnh vực này tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lên trên cả nước” – tôi ngồi yên, nghe anh chàng nông dân này nói những chuyện thiệt, đã diễn ra, mà như đang nghe chuyện “Bác Ba Phi” – một ông già chuyên nói “dóc” một tấc tới trời ở miền Tây thời khẩn hoang.

Một lĩnh vực khác, đã được ứng dụng, đó là công nghệ đếm cá dưới ao, gần đây có công ty Vĩnh Hoàn ở Đồng Tháp lắp những cảm biến gì đó dưới ao, nó có thể biết được có bao nhiêu con cá, trọng lượng thế nào. Điều đó rất quan trọng, làm tăng lợi thế cạnh tranh đối với một công ty chế biến thủy sản.

Thiện mê lắm. Bình thường để có 1kg cá phi lê đóng gói thành phẩm, công nhân lựa và cân thủ công 4 đến 5 miếng cá nhưng trên thực tế, kích cỡ cá không được đồng nhất, lệch trên dưới 10 gam, cân thủ công vừa chậm, tốn công và không chính xác… đôi khi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, nhập một cân ngoại thì mất vài tỷ, sau một thời gian nghiên cứu các bạn đưa vào vận hành một thiết bị “Cân cá tự động” tại công ty chế biến thủy sản Cỏ May Imexco, hệ thống cân do các bạn tạo ra nó tự cảm biến, để miếng cá lên thì nó cân, để bàn tay lên thì không cân tổng giá trị của hệ thông cân tự động này chỉ trên dưới 200 triệu đồng và sai số là 1/1500, nó quá là hấp dẫn, chỉ với hướng công nghệ tự động hóa, thông mình này mới giúp mình rút ngắn được đà phát triển so với phương Tây.

Ở mấy công ty chuyên về tự động, trí thông minh nhân tạo ở Cỏ may nếu bỏ vị trí lãnh đạo ra thì tuổi bình quân các bạn tầm 20-22 tuổi vừa hết phổ thông, Vậy thì độ phân hóa về trình độ phát triển của các bạn thanh niên Việt Nam và thanh niên nước ngoài, tôi cho là không đáng kể và đó là cơ hội lớn cho chúng ta.

Thôi, chào thua ông nông dân 4.0 này.