Nghiên cứu của Đại học London (Anh) cho thấy, nếu chúng ta nói dối một lần thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba... Bộ não con người sẽ tự động thích nghi với sự “leo thang” này, khiến việc nói dối ngày càng trở nên dễ dàng.

Lời nói dối vô hại cũng nguy hiểm nếu bị lạm dụng. Ảnh: YTB

Trong một thí nghiệm, 80 người được nhìn thấy hình ảnh bình chứa đầy đồng xu. Một người sẽ tư vấn cho người chơi cùng - partner (người cũng đã nhìn vào bức ảnh nhưng ảnh nhòe hơn) rằng nên đoán có bao nhiêu tiền trong bình.

Dựa trên lời khuyên đó, partner đánh giá tiền trong bình càng cao thì phần thưởng cho người tư vấn càng lớn. Vài biến thể của thí nghiệm cũng được thực hiện. Một là, người tham gia được biết họ và người tư vấn sẽ chia đôi tiền thưởng. Lúc này, khả năng nói dối của partner tăng cao. Hai là, người tư vấn sẽ được nhiều tiền thưởng hơn partner. Khi đó, cường độ nói dối càng tăng lên.

Kết quả quét não bằng MRI 25/80 người tham gia (chọn ngẫu nhiên) khi họ đang ước tính cho thấy cách chúng ta quen với việc nói dối: Điều này giống như việc một người không còn nhận ra mùi nước hoa của chính mình theo thời gian nên sử dụng nhiều hơn. Hình ảnh quét não cho thấy hạch hạnh nhân (nằm ở tâm não, là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc) trở nên bão hòa hoặc trợ giúp cho sự không trung thực.

Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên chứng minh bằng thực nghiệm rằng càng nói dối nhiều thì con người càng nói dối trắng trợn. “Giống như bạn đang ở một con dốc trơn trượt. Một khi đã nói dối, dần dần bạn sẽ trở thành người không trung thực. Việc nói dối thường xuyên tiềm ẩn mối nguy hiểm vì chẳng mấy chốc bạn sẽ trở thành kẻ dối trá” - Neil Garrett - tác giả nghiên cứu nói.