Khi xuất hiện lần đầu vào năm 1978, cuốn “Columbus và Những kẻ ăn thịt người khác: Bệnh Wetiko của Sự bóc lột, Chủ nghĩa đế quốc và Chủ nghĩa khủng bố”1 của nhà tư tưởng người Mỹ Anh-điêng trứ danh, Jack Forbes, được xem là một trong những văn bản nền tảng của phong trào chống lại văn minh.

Những câu chuyện về lịch sử diệt chủng, khủng bố và phá hủy sinh thái được kể từ điểm nhìn của người Mỹ bản địa đã truyền cảm hứng cho những nhà hoạt động có tầm ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ. Và những phê phán về lối sống được gọi là “văn minh” hiện đại đó còn phù hợp với ngày nay hơn cả trước đây.

Jack Forbes (1934-2011). Nguồn: davisenterprise.com

Cuốn sách là một cái nhìn của người Nam Mĩ về chủ nghĩa ăn thịt (cannibalism) - hành vi hiếu chiến nhằm chống lại các sinh vật khác, cái “căn bệnh tiêu thụ sự sống và tài sản của các sinh vật khác” (xiv). Theo Jack Forbes, chính sự phát triển về công nghệ, khoa học xã hội cấp tiến và về cơ chế quản lý nhân sự theo thứ bậc của thực dân Mỹ và châu Âu đã hình thành nên chủ nghĩa ăn thịt người trong các xã hội bản địa ở Nam Mỹ.

Forbes tập trung phê bình tính phi đạo đức trong khoa học công nghệ của phương Tây hiện đại vốn chỉ tập trung vào “sự tiêu thụ cho bản thân” (24). Tính phi đạo đức này, như Forbes lập luận, tạo ra “Nạn diệt chủng”, “Sự dối lừa, Bạo lực và Sự tham lam”, “Sự Ngu dốt, Đàng điếm và Chủ nghĩa vật chất”, “Lòng say mê đối với Tội ác”, “Chủ nghĩa thực dân, sự Âu hóa và sự phá hủy Nền văn hóa thực sự của người bản địa”, “Mất tự do” , “Khủng bố”, “Đàn ông bạo lực và sự Quỵ lụy của Đàn bà” và “Tội ác có tổ chức” không chỉ ở các nước châu Mĩ bản địa mà còn ở cả các nước thuộc thế giới Thứ ba. Forbes cho rằng, sự hòa điệu, vốn hiện thân trong các truyện kể, thơ ca, những lời giảng dạy và các truyền thống bản địa, sẽ khiến cho các dân tộc bản địa thoát khỏi cái căn bệnh ăn thịt người nói trên.

Những bài dân ca, những câu chuyện (sử thi, thần thoại lịch sử và thần thoại sáng tạo) và thơ dân gian bản địa về vũ trụ, sự sáng tạo… mà tác giả miêu tả trong cuốn sách với tư cách là tài liệu tham khảo thứ nhất đúng là đã gợi lên cái giai điệu và bức tranh về một thế giới trong lành và vô tội, một thế giới mà ở đó, loài người và thiên nhiên yêu thương nhau. Nói cách khác, những nguồn tư liệu được cho là của người bản địa được trích dẫn và quy chiếu khiến cho luận điểm của tác giả về sự cần thiết phải khám phá lại trí khôn và tình yêu của người bản địa để chữa khỏi căn bệnh ăn thịt người, trở nên thuyết phục. Thêm vào đó, các nguồn tư liệu bản địa đó cũng làm cho lời khuyên về cách thức hàn gắn vết thương của loài người do công nghệ gây ra, trở nên khả thi.

Việc trích dẫn một cách say sưa và phong phú các nguồn này tạo ra ấn tượng về sự hiện diện có thực cả về tinh thần và vật chất của một nền đạo đức mang tính phổ quát: nó ở đó, rất gần con người và ở trong con người. Sự khơi gợi này đem đến niềm hi vọng về khả năng tái hiện cái đạo đức và sự tự do cá thể trong môi trường suy đồi mà chủ nghĩa tư bản Mỹ đem lại.

Ví dụ, tài liệu thứ nhất của cuốn sách hầu hết bằng tiếng bản địa như là tiếng Peru, tiếng Mexico và được viết bởi những học giả bản địa như Leon Cadogan, Migeul Leon Portilla và đặc biệt là Lame Deer. Ở chương mười lăm, Forbes trích dẫn những lời dạy và các câu chuyện từ Lame Deer, người kiếm tìm ảo ảnh (Lame Deer, Seeker of Visions) của Lame Deer, một người đàn ông da đỏ Lakota đáng kính. Cuộc sống hoang dại và xù xì của Lame Deer, người du hành khắp đất nước, khiến cho quyển sách gợi lên trong lòng độc giả những tưởng tượng huyền diệu về sự tự do bản địa và các khả năng nghệ sĩ.

Tuy nhiên, trí khôn và đạo đức bản địa hiện thân trong các bài hát, các câu chuyện và những lời dạy bảo truyền thống lại chủ yếu được thu lượm và thể hiện bởi các học giả phương Tây. Điều này phản bội lại lòng tin của tác giả vào khả năng sống sót của người bản địa nếu như không có giáo dục, kinh nghiệm và công nghệ phương Tây. Điều này cũng có nghĩa, việc ghi lại và duy trì trí khôn của người bản địa phụ thuộc vào khoa học xã hội và nhân văn của phương Tây. Có một sự thật đau đớn được gợi lên từ các tài liệu bản địa được trích dẫn trong cuốn sách này: đã không còn nữa trí khôn thật sự của người bản địa, chúng ta chủ yếu biết về nguồn gốc, truyền thống và sự thật của người bản địa qua các ghi chép của phương Tây. Thậm chí, chúng ta có ấn tượng rằng, các học giả phương Tây và những học giả bản địa được đào tạo từ phương Tây, bằng nghiệp vụ và lòng “say mê” của mình, có vẻ như đã đóng vai trò to lớn trong việc cứu sống và duy trì truyền thống bản địa.

Bản thân những câu chuyện xác thực của Lame Deer cũng do Richard Erdoes - một tác giả, nhà báo, nhà biên tập và minh họa người Úc gốc Mĩ - ghi lại. Erdoes có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa của người châu Mĩ bản địa và tham gia vào cuộc đấu tranh nhân quyền của họ. Thật trái ngược khi đối chiếu điều này với phần mở đầu cuốn sách, ở đó, Forbes viết “sự thật của vấn đề là các sinh viên của Harvard và Yale hoàn toàn có khả năng là những người đã vận động và khuyến khích sự xâm chiếm lãnh thổ ở Brazil, ở Colombia hay ở Bolivia; sự xâm chiếm này đã dẫn đến cuộc hủy diệt cuối cùng của hàng ngàn người châu Mĩ bản địa” (xix). Các học giả bản địa khác được Forbes trích dẫn như Leon Cadogan, Carlos Arana Castaneda hay Miguel Leon Portilla đều là những học giả có nền giáo dục phương Tây.

Những dữ kiện này gợi chúng ta nhớ đến câu hỏi đầy bi quan về sự tồn tại xác thực của văn hóa bản địa mà Rey Chow nêu ra trong cuốn sách của mình - Tác phẩm của người Biệt xứ: Những chiến thuật Can thiệp trong nghiên cứu văn hóa Đương đại: “Những người bản địa đi đâu cả rồi?”.

1- Columbus and Other Cannibals: The Wetiko Disease of Exploitation, Imperialism, and Terrorism - Brooklyn, N.Y., USA: Autonomedia, c1992

2- Writing Diaspora. Tactics of Intervention in Contemporary Culture Studies - Bloomington and Indiannapolis: Indianna University Press. 1993