Khoa học hiện đại về não bộ có triển vọng giải đáp được những bí ẩn về hành vi con người, từ đó mở rộng ra những nghiên cứu về cơ cấu tổ chức trong xã hội.

Nếu như thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, giới khoa học tập trung để giải câu đố về mật mã của hệ gien thì đến thập niên thứ hai, họ đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn xung quanh não bộ của con người.

a

Nhiều quỹ nghiên cứu về chức năng, cách thức hoạt động của não bộ đã được lập ra. Năm 2013, Tổng thống Obama cam kết sử dụng 100 triệu USD/năm trong 10 năm cho dự án nghiên cứu về não bộ. Một năm sau, ông quyết định tăng gấp đôi khoản tiền này. Không riêng nước Mỹ, EU cam kết 100 triệu Euro/năm trong một thập niên cho chương trình nghiên cứu phát triển bộ não nhân tạo trên máy tính với tham vọng xây dựng chiếc máy tính hoạt động bằng tín hiệu sinh học (hóa-điện) thay vì chỉ bằng tín hiệu điện. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, bộ não thực tế hoạt động nhanh gấp hàng trăm lần một chiếc máy tính.

Tuy nhiên, khoản đầu tư của các chính phủ thực chất chỉ là “muối bỏ biển” so với những gì mà các viện nghiên cứu tư nhân đang làm. Điển hình như Viện nghiên cứu não bộ Allen đã nhận khoản tài trợ gần 500 triệu USD từ người sáng lập Paul Allen, chưa kể hàng triệu USD từ nhiều quỹ nghiên cứu khác. Nhiều trường đại học lớn ở Mỹ cũng đang cạnh tranh ráo riết trong cuộc đua xây dựng và mở rộng các cơ sở nghiên cứu về não bộ.

Cơ sở nghiên cứu về cơ cấu tổ chức

Vào thế kỷ XIX và XX, ngành dược đã hệ thống hóa một cách khoa học những kiến thức về cơ chế hoạt động trong cơ thể con người như chức năng các cơ quan trọng yếu, cách phối hợp giữa các cơ quan trong cơ thể. Thật ngẫu nhiên, đây cũng là cách tiếp cận hiệu quả để nghiên cứu về cơ cấu của các tổ chức, bất kể là tổ chức thương mại hay tổ chức chính trị.

Quá trình nghiên cứu cơ cấu của một tổ chức cũng giống như việc nghiên cứu cơ thể con người. Nếu xác định được đâu là cơ quan trọng yếu trong một tổ chức, sự bất hợp lý hay những mâu thuẫn nảy sinh sẽ được giải quyết. Việc tìm ra cơ quan trọng yếu của một tổ chức cũng giống như việc xác định đâu là cơ quan trọng yếu trên cơ thể con người. Lấy ví dụ, chân và tay đều là những bộ phận hữu ích trên cơ thể con người nhưng lại không phải là những cơ quan trọng yếu vì chúng có thể thay thế được. Trong khi đó, não bộ mới thực sự là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể vì chức năng của não bộ không thể thay thế và là trung tâm xử lý mọi hành vi cũng như cảm xúc của con người.

Thật vậy, khoa học hiện đại về não bộ có triển vọng giải đáp được những bí ẩn về hành vi con người, từ đó mở rộng ra những nghiên cứu về cơ cấu tổ chức trong xã hội. Từ những bức ảnh đen trắng chất lượng thấp xuất hiện vào thập niên 1990, công nghệ quét não bộ đã có bước tiến vượt bậc khi cho ra đời những hình ảnh màu với độ phân giải cao đến kinh ngạc, tạo điều kiện cho việc quan sát hoạt động đang diễn ra của não bộ, vốn được coi là chuyện “không tưởng” trước đây. Một khi quan sát được những hoạt động của não bộ, chúng ta có thể đưa ra những câu hỏi nghiên cứu tốt hơn và tìm ra những câu trả lời tốt hơn.

Quyết định trí tuệ cảm xúc

Những nghiên cứu của kinh tế học kiểu mới cho thấy nhiều quyết định của con người là do yếu tố cảm xúc chi phối và ở mỗi người, yếu tố này lại có sự vận hành khác biệt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% yếu tố quyết định sự nổi trội trong sự nghiệp của các nhà lãnh đạo là trí tuệ cảm xúc.

Vỏ não trán trước bên phải được xem là vùng quan trọng đưa ra quyết định phức tạp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, con người thường có tám cảm xúc cơ bản bao gồm: buồn, xấu hổ, ghê tởm, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên/giật mình, háo hức, yêu thương/tin tưởng. Những cảm xúc này không chỉ ảnh hưởng đến quyết định của người điều hành, lãnh đạo, mà còn tác động mạnh đến tinh thần và năng suất làm việc của đội ngũ nhân viên.

Trong thực tế, mỗi cảm xúc cơ bản của con người sẽ tương ứng với những trạng thái khác nhau trong cuộc sống, trong hành động cũng như công việc. Vì vậy, mỗi nhà quản trị cần thiết phải có những chiến lược hành động cụ thể cho tổ chức để tạo ra môi trường cảm xúc tốt. Và điều kiện cần để một nhà lãnh đạo có thể tạo ra môi trường như vậy bao gồm: Kết nối, Can đảm, Đủ thông minh, Nói là làm, Truyền cảm hứng cho người khác hành động và Đáng để noi theo.

Paul Brown*
(*) Giáo sư giảng dạy bộ môn Khoa học Thần kinh Tổ chức, Trường Kinh doanh Monarch (Thụy Sỹ); chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học thần kinh ứng dụng trong tổ chức và phát triển tiềm năng lãnh đạo.