Như tôi còn nhớ (As I remember it - tên bản tiếng Việt: Đời tôi), hồi ức của nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Soviet, Mikhail Gorbachev, là hồi ức đầu tiên của người đứng đầu một quốc gia thuộc phe XHCN trước kia được xuất bản tại Việt Nam.

(Không kể hồi ký Đất Nhỏ của Leonid Brezhnev - chỉ viết về một quãng thời chiến ngắn ngủi và bị coi là thuê viết - được Giải thưởng Văn học Lenin).

Thật thú vị khi biết rằng trong lịch sử 85 năm (1917-1991) của Liên Xô chỉ có hai người đứng đầu xuất bản được Hồi ức, đó lại là duy hai người không được “cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng” trên cương vị mà họ nắm giữ; một là Gorbachev (sinh 1931), người kia là Nikita Khrushchev (1894-1971) với cuốn Khrushchev Remembers (Hồi ký Khrusev, Nguyễn Học dịch từ tiếng Nga) nổi tiếng của ông. Cả hai người này, khác với những người như Winston Churchill, Charles de Gaulle hay các đời tổng thống Mỹ, khi viết hồi ức chỉ có thể dựa vào trí nhớ hoặc ghi chép riêng của bản thân, chứ khó có thể sử dụng tài liệu lưu trữ chính thức như ý muốn.


Đời tôi có ba phần chính: Những trường đại học của tôi, Đường tới đỉnh cao và Cải tổ được thực hiện như thế nào.

Phần đầu - tiêu đề hệt như tên một tác phẩm của Maksim Gorky - kể về phần đời của tác giả từ thơ ấu cho tới khi bước chân vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản: Bí thư (thứ nhất) vùng (tỉnh) ủy, năm 1970. Phần này tường thuật một cách đặc sắc cuộc sống vất vả ở vùng nông thôn Soviet, đồng thời chỉ ra con đường “rèn luyện” để “tiến bộ” nhanh nhất là bắt đầu từ đoàn thanh niên Komsomol rồi chuyển lên tổ chức Đảng Cộng sản...

Phần thứ hai (7 chương) - đúng như tên gọi của nó - là toàn bộ quá trình tiến tới vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản của tác giả (1970-1985). Ta sẽ thấy tác giả thú vị ra sao khi được biết cuộc sống của người dân ở nước ngoài và ngoài chế độ XHCN. Tiếp đó là bậc thang lên đỉnh cao của tác giả trong một nền kinh tế trì trệ và đang tiến tới sụp đổ bởi quản lý kém, chạy đua vũ trang và cuộc chiến Afghanistan mà cho tới nay, sau 40 năm, vẫn chưa kết thúc với một cường quốc khác (Mỹ).

Phần thứ ba (4 chương), tất nhiên, tác giả trình bày chương trình lớn nhất, say mê nhất trong cuộc đời chính trị của mình - perestroika (cải tổ) - nhưng tiếc thay, nó đã thất bại (mà nếu nó thành công, chắc gì đã có thiên hồi ức này?). Tác giả dành hẳn một chương đủ dài để nói về “Những khác biệt của tầng lớp trên” (chương 4). Phải chăng, tác giả muốn nói đó là nguyên nhân khiến perestroika thất bại ?

Độc giả của hồi ký thường hy vọng tìm thấy những góc khuất của lịch sử, thậm chí, “thâm cung bí sử”. Trong Đời tôi, góc khuất lịch sử có thể có, nhưng với người đã từng giữ “nút bấm hạt nhân” thì “thâm cung bí sử” không dễ tiết lộ. Tuy nhiên Hồi ức này sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều chi tiết lý thú minh họa cho các góc nhìn khác nhau về lịch sử mà bài viết này có thể điểm qua một vài.

- Có nguồn gốc “xuất thân công nông” và có Huân chương Lao động Cờ Đỏ, dù ở “vùng sâu vùng xa”, tác giả dễ dàng vào khoa Luật Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva - đỉnh cao đại học của Liên Xô.

- Trí thức Soviet được ưu đãi: Lương của một Phó giáo sư là 320 rúp/tháng, cao hơn lương Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy 300 rúp/tháng (khi đó, năm 1970, người Soviet chỉ sống bằng lương).

- “Tình bạn chiến đấu” giữa các nhà lãnh đạo cấp cao Liên Xô thời hiện đại cũng không khác mấy kỷ nguyên Stalin. Chuyện này được tác giả minh họa bằng việc Yuri Andropov (đồng hương, cấp trên và là người đỡ đầu) từ chối lời mời ăn trưa gia đình của mình.

‘Phải rồi, những ngày xưa tươi đẹp. Nhưng còn bây giờ, Mikhail, tôi phải từ chối lời mời của cậu.’..

‘Bởi vì ngày mai, thực sự là ngay lập tức, ngay khi chúng tôi bắt đầu đến nhà cậu thì bộ máy tin đồn sẽ khởi động: ai đến nhà ai, tại sao và họ nói chuyện gì?’...

‘Đúng là sẽ như thế đấy, Mikhail. Ngay khi Tatyana Filipovna và tôi ra khỏi nhà và bước sang nhà cậu, chuyện đó sẽ được báo cáo lên Brezhnev. Tôi chỉ muốn nói cho cậu biết thế thôi’.

- Vai trò của giới tinh hoa Soviet (nomenklatura) trong việc chống lại perestroika, vì, như tác giả viết “Những đại diện của hàng triệu nomenklatura mạnh mẽ quan tâm đến việc đánh mất vị trí cá nhân của mình hơn là quan tâm đến người dân.” Có thể coi tác giả là một người “phản bội giai cấp” mình được không, khi mà tác giả cũng thuộc về nomenklatura?

- Nếu Khrushchev kể, một trong những lý do ông phải ra đi là giới quân sự không bằng lòng việc ông giảm mạnh sản xuất xe tăng thì trong hồi ức này, Gorbachev cũng ngạc nhiên vì sao Liên Xô có nhiều xe tăng đến thế? Nhưng đó là sức mạnh của Liên Xô, của Nga mà ta rất dễ thấy khi theo dõi tình hình thời sự hiện tại. Xe tăng là một trong số các “vẩy ngược” của con rồng mà chạm vào, sẽ trả giá.

- Hồi ức Gorbachev không chỉ là chính trị, nó chứa đầy hình ảnh Raisa, người vợ gắn bó với ông và đã mất vì bạo bệnh trong thời gian ông viết hồi ức này. Không can thiệp vào công việc của chồng nhưng đã cùng chồng đi tới cuối đời mình qua mọi thăng trầm thì đó là hình ảnh mang lại tính nhân văn cho Hồi ức.

Một số người không muốn đọc hồi ức của “những kẻ thất bại” nhưng biết được một phần lịch sử các diễn biến trong thượng tầng Soviet vào giai đoạn sinh tử hẳn sẽ đem lại nhiều bài học bổ ích cho những người quan tâm.