Tuần rồi, khi mà những ai quan tâm đến việc khởi nghiệp trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đều tề tựu về Quảng Nam để bàn các giải pháp thúc đẩy những câu chuyện đầy hứng khởi từ núi cao, thì một tin buồn ập đến: Ngọc Trà - cô gái kiên cường nhất của vùng trà Thái Nguyên đột ngột qua đời, để lại rất nhiều hoài bão về đổi thay ngành trà...

Chuyện của Trà và những người bạn

Tôi gặp Ngọc Trà nhiều lần. Lần đầu, là khi cô tham dự một lớp học về quản trị doanh nghiệp. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, có phần hơi gầy gò ôm theo con nhỏ từ Thái Nguyên xuống Hà Nội học. Hai mẹ con ngồi trong lớp, ngoan vô cùng. Mẹ chăm chỉ học, con ngủ ngon lành. Rồi cô đi thi cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, chinh phục ban giám khảo bằng câu chuyện của đời mình: nguyện dâng hết cuộc đời cho trà...

Sinh ra ở Thái Nguyên, lớn lên giữa vùng trà bạt ngàn, nên cô yêu trà. Nhưng gia đình không nghĩ thế, vì họ biết làm trà là chấp nhận tất cả mọi cơ cực: dãi nắng dầm sương, sống chung với phân bón và thuốc trừ sâu hoá học, lại chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Nên ước mơ của gia đình, là con gái phải được học hành tử tế, và sống một cuộc đời nhân viên văn phòng ở công ty nước ngoài nào đó tại Hà Nội.

Ngọc Trà. Ảnh: Facebook Ngọc Trà

Ngọc Trà, vốn ngoan, nên cũng thực hiện được ao ước này của gia đình. Nhưng cái thôi thúc trong cô, vẫn luôn là trà. Cô bỏ việc, trốn gia đình, xin đi làm công nhân, làm chế biến, làm tiếp thị ở các nhà máy trà khác nhau, để học nghề và tích luỹ kinh nghiệm. Và cô thành công trong việc chế biến ra bột trà xanh matcha từ những lá trà Thái Nguyên quê mình, nâng giá trị của trà lên nhiều lần.

Cô về, xin gia đình, và bắt đầu câu chuyện nông nghiệp sạch chất lượng cao. Cô được chọn đi khắp nơi để giới thiệu một câu chuyện làm ăn tử tế của người con xứ trà. Vào Nam, ra Bắc, sang mãi tận Thái Lan để giới thiệu, ai cũng mê...

Năng lượng từ núi cao

“Bọn em có 12 chị em, tất cả đều là người Dao, tất cả đều không biết chữ, nhưng tất cả đều có tay nghề thêu thùa may vá rất giỏi. Nên bọn em mở cái công ty để làm thời trang lấy cảm hứng từ văn hoá truyền ngàn đời nay của ông bà người Dao” - Hằng, giám đốc công ty Sơn Nữ A Mui Keo đứng mân mê cái áo, kể chuyện đời mình trên sân khấu cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp do Trung tâm BSA và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tồ chức.

Trên sân khấu là ba chàng trai đến từ Bắc Kạn. Một anh cầm theo chai mật ong lấy từ vách đá, một anh cầm theo mớ rau bò khai mới hái sáng nay giữa rừng. Anh còn lại ôm gói miến làm từ củ dong riềng, thô mộc và có phần xấu xí.

Họ có vẻ lúng túng, khi nói một thứ tiếng Việt không sõi, lại chưa từng lên sân khấu lớn. Nhưng họ nắm tay nhau, để ráng kể cho xong câu chuyện của mình: 34 thanh niên người dân tộc thiểu số quyết tâm vượt lên số phận phải đi làm lao động chân tay ở miền xuôi, mà cùng nhau làm kinh tế rừng. Họ có tất cả 246 đàn ong mật sống giữa rừng, chăm chỉ mỗi ngày đi tìm hoa lấy mật. Những mùa “đói”, họ mang đường cho ong ăn để cầm hơi, nhưng thứ mật làm ra từ đường sẽ không được đem bán vì đó không phải là mật ong rừng, mà để dành cho mùa đói năm sau. Họ bán hàng qua Facebook, Zalo bằng tất cả thiện chí của mình, vì tin rằng rừng không bỏ quên những người con chăm chỉ như họ.

Ngọc Trà giới thiệu sản phẩm với khách quốc tế. Ảnh: BSA

Tiếp theo, là một cô giáo mầm non người dân tộc Nùng, tên là Dương. Cô đã được vào biên chế nhà nước 6 năm, là niềm tự hào của cả dòng họ. Nhưng cô mê đắm chuyện cắm hoa, tỉa hoa, làm xôi ngũ sắc. Cô là bà mẹ đơn thân, và cô biết nhiều người mẹ đơn thân khác còn vất vả hơn mình nhiều lắm. Nên cô xin nghỉ, ra mở một trung tâm nghệ thuật, bán hoa, tỉa quả, làm xôi và dạy nghề cho chị em dân tộc và phụ nữ đơn thân. Cô gọi hành động của mình là “chiến dịch kinh doanh”, vì học đâu đó chữ “chiến lược” mà quên bài mất rồi. Nhưng cô, và các chị em của mình đã “sống được” với đam mê.

Nông trại sơn nữ Tày Tuyên lại là một câu chuyện khác. Cẩm Ly xinh đẹp, và tài năng. Nhưng cô sinh ra trên vùng trồng cam ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, suốt ngày nhìn thấy “rác cam” - là thứ cam mà anh em, họ hàng, dòng tộc của cô ra sức nâng niu, chăm chút nhưng không bán được, không biết vận chuyển, bảo quản nên hư hỏng và trở thành rác. Cô xót ruột, thử hết cách này đến cách khác: bán cam ngoài vỉa hè, bán cam trong chung cư, trong bệnh viện, ngoài bến xe. Xong lại đi tìm kiếm các lời tư vấn, để giờ mở một công ty, vừa tổ chức sản xuất, đóng gói, bảo quản để bán cam từ Bắc chí Nam, vừa chuẩn bị mở nhà máy sản xuất “dấm cam” - một thứ đặc sản khác từ những trái cam xấu xí của mình để không còn là “rác cam” nữa...

Một người khác là Lý Tà Giàng, giám đốc Công ty Cao Nguyên Đá lên sân khấu. Chuyện của Giàng khác chút: anh tự nhận mình là “nhà phân phối” cho những sản phẩm trên cao nguyên đá Hà Giang, chuyên trị mảng thảo dược. Nhưng mà tự dưng “thằng Giàng chứ có phải ông Giàng (ông trời) đâu mà người ta tin”. Anh xách cuốc lên nương, trồng cây đương quy để xuất khẩu. Lần đầu, chả biết bị lái buôn bán giống thế nào mà trồng mãi chẳng lên cây. Lần hai, cây vừa lên thì ông trời phạt, phủ mưa đá và sương muối làm chết toàn bộ. Lần ba, cũng thất bại nốt.

Phó giáo sư Trần Văn Ơn, giám khảo, hỏi: “Thế cắm sổ đỏ chưa?”. Dạ chưa, vì lần thứ tư thì cây lên tốt, bán được nhiều tiền. Bà con tin, năm cái hợp tác xã trồng dược liệu đồng ý góp tiền mở công ty, chuyên mở các cửa hàng bán dược liệu và các món ăn từ dược liệu, kiếm được tiền.

Trời bắt đầu sang thu. Khoác chiếc áo dân tộc Dao của Hằng, nhấp một ngụm trà Thái Nguyên, thấy năng lượng ấm áp đang toả ra đâu đây...