Chúc mừng Khoa học và Phát triển đoạt giải Nhất giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2016 do Bộ KH&CN tổ chức với loạt bài về phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên, tác giả và các bên tham gia ứng dụng phương pháp này tiết lộ nhiều tin vui mới.


Các tác phẩm đoạt giải bám sát đời sống khoa học

Đánh giá về các tác phẩm đoạt giải Báo chí về KH&CN năm 2016 tại lễ trao giải sáng 6/5/2017, ông Nguyễn Xuân Toàn - Phó Trưởng ban tổ chức giải thưởng - cho biết: “Các tác phẩm đã phản ánh đầy đủ, sâu sắc hoạt động của ngành KH&CN, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính quyền điện tử, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Có thể thấy rõ khả năng bám sát nhịp điệu của đời sống khoa học Việt Nam qua các tác phẩm đoạt giải như "Đôi bạn tiến sỹ chế máy chữa vết thương không cần kháng sinh" của Báo VietNamNet - giải nhất thể loại báo điện tử; “Khoán chi trong nghiên cứu khoa học: Thông thoáng nhưng không dễ” của Đài Tiếng nói Việt Nam - giải nhất thể loại phát thanh; "Khát vọng Việt Nam: Thắp lên hy vọng" của Đài Truyền hình Việt Nam - giải nhất thể loại truyền hình, “Ứng phó với nhà máy điện hạt nhân sát biên giới” của Báo Tuổi Trẻ (Lê Thị Thanh Hà), "Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam" của Báo Đại biểu Nhân dân…

Đại diện các tác giả đoạt giải nhất nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN và cúp lưu niệm. Ảnh: Huy Hùng

Số lượng 755 tác phẩm thuộc 4 loại hình báo chí tham dự giải thưởng thể hiện sự quan tâm của báo chí đối với KH&CN. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại lễ trao giải, các hãng truyền thông lớn trên thế giới đều rất chú trọng mảng KH&CN, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

“Ở phương Tây, báo chí là quyền lực mềm có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội. Trong đó, truyền thông về KH&CN là góc mềm nhất, cần có nhiều thời gian để thể hiện hiệu quả tác động đến thực tế. Vì thế, tôi mong rằng các nhà báo sẽ đồng hành lâu dài cùng khoa học, giúp cho cộng đồng các nhà khoa học và độc giả ngày càng muốn đọc về KH&CN hơn. Như vậy dân trí mới được nâng cao, đời sống mới phát triển” - Thứ trưởng nói.

Công nghệ cấy hàng biên đoạt huy chương, tăng ứng dụng

Loạt bài về cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên - được Báo Khoa học và Phát triển triển khai từ tháng 6 đến tháng 8/2016 - ngoài việc giới thiệu về phương pháp, về tác giả (kỹ sư Chu Văn Tiệp), về hiệu quả thực tế khi áp dụng ở các địa phương còn nêu ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, quan điểm của cơ quan quản lý. Theo đó, phương pháp mà kỹ sư Tiệp đưa ra về mật độ cấy, khoảng cách giữa các khóm lúa nhằm tận dụng tối đa hiệu quả của ánh sáng giúp tăng năng suất lúa đến 20%, giảm chi phí về lao động, thuốc trừ sâu, phân bón.

Phấn khởi trước thông tin loạt bài viết về phương pháp cấy lúa của mình đoạt giải nhất, ông Tiệp cho biết đến nay đã có hàng chục vạn hécta và hàng nghìn hộ nông dân cấy theo cách này tại hơn 20 địa phương. Tại Hội chợ triển lãm KH&CN quốc tế được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, công nghệ cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên đã được Hàn Quốc trao huy chương đồng và Thái Lan trao huy chương vàng.

Gửi lời chúc mừng tới tòa soạn và kỹ sư Tiệp, tiến sỹ Nguyễn Văn Biếu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội các Ngành sinh học Hà Nội - chia sẻ: “Chúng tôi vừa liên kết được với doanh nghiệp gạo Bảo Minh bao tiêu sản phẩm của toàn bộ diện tích cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên ở Hải Phòng. Đây là tín hiệu vui giúp bà con yên tâm canh tác”. Ông Biếu cũng cho biết, hồ sơ của công nghệ cấy lúa hàng biên đang được gửi cho Tổ chức Hạn chế chống phát thải khí nhà kính - một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan.

Ông Nguyễn Trọng Thành - Giám đốc Hợp tác xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình, nơi ứng dụng cấy hàng biên - cũng thông báo, hợp tác xã đã trải qua 5 vụ cấy theo phương pháp này, diện tích tăng từ 0,1ha trong vụ mùa năm 2014 lên 100ha trong vụ đông xuân 2017. “Chỉ qua vài vụ, bà con đã đánh giá được hiệu quả thực thụ của công nghệ cấy theo hiệu ứng hàng biên và rất tin tưởng” - ông Thành nói.

Tuy nhiên đến nay, công nghệ cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên vẫn chưa được coi là tiến bộ kỹ thuật. Ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết: “Để được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, tác giả cần phải hoàn thiện hồ sơ và chứng minh được hiệu quả thực tế của nó”.