Đó là quy định mà Đại học (ĐH) Duy Tân đã áp dụng như một cơ chế cứng rắn nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong trường.

Cũng hướng tới mục đích này, nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng nên bỏ tiêu chí số lượng bài báo khoa học để tính đến bài toán chất lượng, cho phép nhà khoa học trong các trường tham gia các công ty, doanh nghiệp sản xuất...

Giảng viên có thể làm lãnh đạo công ty

Trước câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng nghiên cứu ở các trường ĐH, Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Học hàm quốc gia - kể một câu chuyện: Khi ông sang Trung Quốc và được mời uống một loại rượu vang nổi tiếng của Pháp, ông rất bất ngờ vì rượu quá ngon, nhãn mác in chữ Trung Quốc, sản xuất tại Trung Quốc. Từng cho rằng đây là sản phẩm chỉ sản xuất tại Pháp, sự việc này khiến ông thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.

“Tôi tò mò đi hỏi mới biết, để được đầu tư vào Trung Quốc, doanh nghiệp Pháp phải chấp nhận đưa công thức sang và cán bộ các viện, trường được phép tham gia dây chuyên sản xuất này để nắm quy trình. Vì thế, khi họ rút về nước, Trung Quốc có thể sản xuất sản phẩm đó” - GS Nhung chia sẻ. Từ bài học này, ông cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề nghị Chính phủ đưa ra cơ chế khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhà máy, trường ĐH, cao đẳng thì phải có nhà khoa học trong nước cùng tham gia để nắm bắt cách làm. Không thể để tình trạng khi các công ty này rút về, Việt Nam rơi vào tình trạng “tay trắng”.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu tiên tiến - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ảnh: Hoàng Anh

Có cùng quan điểm, PGS-TS Vũ Văn Tích - ĐH Quốc gia Hà Nội - kiến nghị Chính phủ xem xét việc cho phép các nhà khoa học trong trường ĐH tham gia lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp sản xuất để cùng nghiên cứu, sáng tạo. Bởi lẽ, nhà khoa học không có đủ tiềm lực để nghiên cứu và ứng dụng mà cần kết hợp với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn liền với thực tiễn.

Trong khi đó, quy định hiện hành không cho phép giảng viên các trường ĐH làm thêm với doanh nghiệp. “Điều này hoàn toàn trái ngược với quy định của các nước - chỉ cần dạy đủ giờ, đủ sản phẩm, thời gian còn lại làm gì cũng được, điển hình như Đài Loan, Hàn Quốc... Điều này tạo ra động lực sáng tạo, đưa KH&CN vào cuộc sống” - PGS Tích nói và cho biết thêm, khi ở nước ngoài, ông nhận thấy sự hiện diện dày đặc của các doanh nghiệp như Boeing, Sony trong các trường ĐH, nhưng điều này không có ở Việt Nam. Việc tạo điều kiện cho trường ĐH mở rộng hợp tác với doanh nghiệp sẽ tạo thêm cơ hội để kết quả nghiên cứu được đưa ra thị trường.

“Tặng voucher” cho người học

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong trường ĐH, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện, TS Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc ĐH Duy Tân - cho rằng cần phải có cơ chế cứng rắn. Theo ông, ở các trường ĐH nước ngoài, giáo sư tới lớp để dạy về những nghiên cứu mới chứ không phải kiến thức có sẵn trong sách vở. Áp dụng cách làm này, ĐH Duy Tân đưa ra quy định giảm tỷ lệ giờ giảng. “Những giảng viên nhiều năm liền không có nghiên cứu sẽ bị điều chuyển sang bộ phận khác, không cho giảng dạy nữa. Nghiên cứu khoa học phải trở thành nhận thức của giảng viên thì mới mong KH&CN Việt Nam phát triển” - TS Hải nói.

Bên cạnh việc gây sức ép cho giảng viên, GS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng bản thân các trường cũng cần tìm cách nâng cao vị thế của mình để thu hút họ: “Lâu nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình đầu tư cho nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài với chi phí không hề nhỏ như chương trình 911 (đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường ĐH, cao đẳng giai đoạn 2010-2020). Thay vì đầu tư cho các trường, chúng ta nên tính đến việc đầu tư thẳng cho người học ở hình thức như voucher. Nghĩa là, với số tiền được bộ cấp, nghiên cứu sinh tự chọn trường ĐH mà mình muốn làm việc”.

Theo GS Hải, điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Trường ĐH muốn thu hút nghiên cứu sinh tiến sỹ và postdoc không có cách nào khác là đẩy mạnh hoạt động KH&CN. Các trường ngoài công lập nếu thu hút nhiều nghiên cứu sinh sẽ nhận được đầu tư trực tiếp từ Nhà nước một cách dễ dàng.

Một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém mà GS Hải đưa ra là thay số lượng bằng chất lượng bài báo nghiên cứu: “Chúng ta cứ mãi trăn trở về số lượng công bố mà quên mất chất lượng. Danh sách ISI có hàng chục nghìn tạp chí khác hẳn nhau về trình độ. Có những tạp chí tên tuổi lừng lẫy thế giới, có tạp chí không ai biết tên. Vì thế, khi xét duyệt đề tài hay học hàm GS, PGS, tiêu chuẩn số lượng thiết nghĩ đã không còn quan trọng. Cái cần phân tích là chất lượng, bởi đây là yếu tố quyết định phản ánh chất lượng nền KH&CN một đất nước”.