Hai lưỡi câu 23.000 năm tuổi được tìm thấy trên đảo Okinawa, Nhật Bản cho thấy kỹ thuật hàng hải sớm phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

luoi-cau-ca-23000-nam-tuoi-co-nhat-the-gioi

Hai lưỡi câu 23.000 năm tuổi được tìm thấy trong hang Sakitaritrên đảo Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: National Academy of Sciences.

Theo BBC, các nhà khảo cổ học Nhật Bản tìm thấy hai lưỡi câu cổ nhất thế giới trong hang Sakitari trên đảo Okinawa và công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Pnas hôm 16/9.

Cặp lưỡi câu làm từ vỏ ốc biển có nguồn gốc khoảng 23.000 năm trước. Nó cho thấy các kỹ thuật hàng hải phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sớm hơn so với các suy đoán trước đây.

"Bằng chứng mới cho thấy sự phân bố rộng lớn về mặt địa lý của các kỹ thuật hàng hải đầu tiên. Chúng mở rộng về phía Bắc, dọc theo bờ biển phía Tây Thái Bình Dương", theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Loài người được cho là sống trên đảo Okinawa từ ít nhất 30.000 năm trước. Các phán đoán trước đây cho rằng người cổ đại có thể gặp khó khăn khi sinh sống ở đây do khan hiếm tài nguyên. Tuy nhiên, việc các nhà khảo cổ khai quật được một số xương động vật như ếch, chim, lươn… trên hòn đảo chứng tỏ đây có thể là thức ăn của người nguyên thủy.

Họ cho rằng người cổ đại thậm chí đã có sở thích ăn uống theo mùa. Những phần còn lại của con cua nước ngọt được phát hiện trên đảo cho thấy chúng có thể bị bắt và sử dụng vào mùa thu, thời điểm ngon nhất của loài cua.