Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Vậy làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm đáng tin cậy - đó là câu hỏi mà một bạn đọc ở Mê Linh (Hà Nội) gửi tới nhờ báo Khoa học và Phát triển giải đáp.

Nghệ được trồng theo quy trình sạch ở Hòa Bình. Ảnh: Lê Mai

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố ban hành bộ tiêu chuẩn TCVN đối với 3 tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, bao gồm:

TCVN 11041 -1 :2017 - Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. TCVN 11041 - 2 :2017 -Nông nghiệp hữu cơ 0- Phần 2: Trồng trọt hữu cơ. TCVN 11041 -3 :2017 -Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ.

Bộ tiêu chuẩn TCVN nêu trên được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Codex Alimentarius Commission – CAC) và Tổ chức Hữu cơ Quốc tế (IFOAM), quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN), tiêu chuẩn nước ngoài của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay tiêu chuẩn của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…, nhằm đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến.

Cùng với việc công bố bộ tiêu chuẩn mới này, Bộ KH&CN cũng có quyết định hủy bỏ TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng, các nội dung hướng dẫn cũng như thuật ngữ và văn phong của bộ tiêu chuẩn mới đã được sửa đổi để dễ nắm bắt hơn đối với các bên liên quan tham gia sử dụng tiêu chuẩn trong thực tiễn.

Bên cạnh TCVN 11041:2017, thời gian qua, hoạt động chứng nhận nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi một số tổ chức chứng nhận ở nước ngoài, thực hiện đánh giá chứng nhận theo các tiêu chuẩn USDA-NOP của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hay EC834/2007 của Liên minh châu Âu để phục vụ cho yêu cầu cụ thể của một số thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được các tổ chức cấp chứng chỉ công nhận và dán nhãn khi tuân thủ đúng quy trình sản xuất, chế biến.

Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 20 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA-NOP và hơn 10 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007.

Bên cạnh đó, hoạt động tự đánh giá, tự công bố theo hình thức của chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS của IFOAM (tức khuyến khích, thậm chí yêu cầu các cơ quan, tổ chức và con người liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ tham gia vào quá trình cấp chứng nhận) đã được triển khai tại 6 địa phương, bao gồm Sóc Sơn - Hà Nội, Lương Sơn - Hoà Bình, Trác Văn - Hà Nam, Tân Lạc - Hoà Bình, Hội An và Bến Tre.

Nói tóm lại, những sản phẩm đạt chứng nhận TCVN 11041, hay USDA-NOP, EC834/2007, PGS của IFOAM… là những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đáng tin cậy.