Trên thế giới hiện nay có khoảng 540 loài nấm sát thủ (killer fungi). Số liệu tháng 12.2017 và sẽ còn những loài mới khác đang được các nhà nghiên cứu quốc tế công bố.

Ở Việt Nam có khá nhiều loài trong nhóm nấm này. Tất cả các loài này đều được gọi là đông trùng hạ thảo hay nấm sát thủ (killer fungi), vì chúng sống ký sinh trên các loài côn trùng.

Nấm đông trùng hạ thảo có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk. ) Sacc., cũng là một trong những loài nấm sát thủ (killer fungi). Nấm thuộc họ Clavicipitaceae. Loài này ký sinh trên ấu trùng và côn trùng thuộc họ Hepialidae. Nấm đông trùng hạ thảo được phát hiện ra cách đây khoảng 2.000 năm, và lần đầu tiên được ghi lại trong triều Thanh năm 1757. Đây là một loại thuốc cổ truyền Trung Quốc được đánh giá cao hàng nghìn năm qua, cùng với nhân sâm và nhung hươu, được coi là “kho báu” và “được cho là” “kích thích phổi và nuôi dưỡng thận, cầm máu và tiêu đàm”. Ngoài ra, còn được sử dụng trong điều trị suy thận mạn, u ác tính, cảm lạnh, v.v. Hiệu quả trị bệnh này đã được khẳng định cùng với các kết quả nghiên cứu của dược lý học hiện đại.

Nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis với các đặc điểm nhận dạng

Nấm có tên gọi là đông trùng hạ thảo do mùa đông tơ nấm ký sinh trong thân sâu, và hút các dưỡng chất trong sâu để phát triển. Đến mùa hạ ấm áp, tơ nấm phát triển mạnh mẽ hút hết dinh dưỡng và biến sâu ký chủ thành xác khô, từ đầu nấm mọc ra một thể chuỳ gọi là quả thể, có tác dụng phát tán các bào tử nấm để phân tán theo gió đến các con côn trùng và sâu khác, nhằm tiếp tục vòng đời. Do đó, nấm còn có tên là nấm sát thủ (killer fungi). Ký chủ của nấm Cordyceps sinensis gồm 57 loài trong các giống gồm: Bipectilus sp. có 1 loài; Endoclita sp. có 1 loài; Gazoryctra sp. có 1 loài; Hepialus sp. có 12 loài; Magnificus sp. có 2 loài; Pharmacis sp. có 3 loài; Thitarodes sp. có 37 loài. Trong đó, loài Hepialus armoricanus Oberthür lần đầu được Chu và cộng sự xác định là ký chủ nấm vào năm 1965.

Các nghiên cứu cho thấy Cordyceps có nhiều hoạt tính sinh học, bao gồm chống ung thư, điều hoà miễn dịch, chống oxy hoá, chống viêm, chống vi trùng, hạ lipid máu, hạ đường huyết, bảo vệ thần kinh và rất nhiều các công dụng khác tốt cho sức khoẻ, đã được rất nhiều các công trình nghiên cứu quốc tế công bố trên các tạp chí uy tín.

Nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis sống ở núi cao trên 3.000m thuộc cao nguyên Tây Tạng ở Tây Nam Trung Quốc. Do hạn chế về môi trường sống và nhu cầu ngày càng tăng, đã dẫn đến việc khai thác quá mức và sự gia tăng đột biến về giá của đông trùng hạ thảo. Trên thực tế, giá thị trường của Cordyceps sinensis hiện đang ở mức khoảng 1,7 – 2 tỉ đồng/kg, và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Với giá tiền khổng lồ ấy không phải ai cũng đủ tiền mua, cho dù trong gia đình có người thân bị ung thư hay bệnh hiểm nghèo thập tử nhất sinh.


Cẩn trọng với các nấm trùng thảo

Với giá rất cao và khan hiếm không đủ đáp ứng cho thị trường, đã dẫn đến sự xuất hiện của pha trộn sản phẩm, bán sản phẩm thay thế cho Cordyceps sinensis. Người bán lẫn lộn các loài có hình thái tương tự như đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis, như: Cordyceps gunnii, Cordyceps barnesii, Cordyceps gracilis, Cordyceps liangshanensis.

Bốn loài gần giống với đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis này hiện nay các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể nuôi được trong môi trường bán tự nhiên. Ngoài ra, còn các loài nấm Cordyceps sinensis độc hại ngâm tẩm nhôm sulfat, hoặc nhét chì ở giữa thân nấm để tăng trọng lượng, hàng giả bằng bột đậu và phẩm màu dập khuôn theo hình dáng con sâu, nấm bị rút hết dược chất bên trong, cũng được buôn bán trên thị trường, khiến người mua lạc vào một ma trận hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng mà không thể phân biệt được.

Phân biệt nấm đông trùng hạ thảo thật và giả

Rất khó để người tiêu dùng có thể nhận biết đúng sản phẩm đông trùng hạ thảo tự nhiên có chất lượng tốt và không bị xử lý hoá chất, do cần các phân tích chuyên sâu bằng máy móc hiện đại. Có rất nhiều các công trình nghiên cứu nuôi trồng loài nấm này trên thế giới. Nhưng chưa có bất cứ thành công nào, ngay cả những phòng lab tiên tiến nhất thế giới ở Mỹ hay châu Âu. Các nhà khoa học chỉ có thể cấy và thu hoạch được tơ của loài Cordyceps sinensis trong ống nghiệm.

Việc mua giống cũng cực kỳ đắt và khó khăn, vì khi xuất đông trùng hạ thảo thật ra thị trường, người bán sẽ cố tình sấy chân không, khiến bào tử nấm không còn khả năng… làm giống. Ở Trung Quốc, các khu vực có loài trùng thảo được quốc gia này coi như tài sản quốc gia, nên bọn họ có quy chế bảo tồn bảo vệ hết sức nghiêm ngặt vùng có đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis. Do vậy, đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis không bao giờ có sản phẩm nuôi, mà hoàn toàn tự nhiên.

Đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis (A) và các loài dùng giả mạo.

Để nhận dạng sơ bộ sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, có thể dựa vào các đặc điểm về hình thái quả thể nấm và xác sâu ký chủ, như sau: quá trình sinh trưởng và phát triển nấm đông trùng hạ thảo rất phức tạp, đòi hỏi có sự cộng sinh của nhiều loài để tạo thành quả thể và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Các nhà khoa học đã nỗ lực phân tách chủng giống nấm đông trùng hạ thảo thuần chủng, nhưng không nuôi cấy thành công thể quả. Do đó, các sản phẩm thương mại, thực phẩm chức năng trên thị trường như viên nén, nước uống, cao chiết đều sản xuất từ tơ nấm nuôi cấy nhân tạo, để giảm giá thành so với sản phẩm khan hiếm ngoài tự nhiên.

Ở Việt Nam cũng đã có một số đơn vị nuôi cấy thành công sợi tơ nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis, phục vụ cho nghiên cứu sâu về dược chất trên tế bào ung thư và kháng vi khuẩn kháng kháng sinh. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu vẫn chưa mạnh, vì còn bất cập nhiều chính sách cũng như quản lý.