Không chỉ nổi đình đám với sáng chế lò đốt rác thải y tế độc hại và các công nghệ, giải pháp hữu ích khác, ông Trịnh Đình Năng còn nổi lên như một gương mặt năng động trong việc biến tri thức thành sản phẩm hàng hóa.

Con người chỉ có bằng trung cấp cơ khí này chia sẻ, thỏa mãn đam mê công nghệ không phải là mục đích chính của ông khi sáng tạo.

Những sản phẩm của quá trình tự học

Ở phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, ông Trịnh Đình Năng được gọi là “kỹ sư chân đất” do phong cách xuề xòa kiểu nông dân và sự “nghèo” về bằng cấp. Con người từng nhận giải Khuyến tài - giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2016 này nổi tiếng bởi đam mê khoa học và sự thành công nhờ tự học.

Trong số tài sản sáng tạo của nhà sáng chế tuổi 60 này, trước hết phải kể đến lò đốt rác thải y tế nguy hại - được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2012. Lò đốt rác có khả năng tiết kiệm nhiên liệu đến 80% so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại này là một trong những “đứa con tinh thần” tâm đắc của ông.

Sản phẩm áp dụng công nghệ mới là đốt liên hoàn, phun lửa (thay vì phun dầu) vào vật đốt. Ở công đoạn thiêu đốt, thiết bị sử dụng công nghệ nano khép kín giúp phân hủy triệt để khói, bụi và mùi hôi. Nhiệt độ ở trung tâm lò có thể lên tới 1.8000C nên tốc độ xử lý rác rất cao.

Ông Đỗ Tuấn Khiêm - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn - từng không tiếc lời ca ngợi lò đốt rác thải y tế của ông Trịnh Đình Năng, sản phẩm mà theo ông có thể hạn chế tối đa việc phát sinh khí dioxin và furan. Các khí thải này có thể được tận dụng để đốt chất thải khác, giúp tiết kiệm nhiên liệu.

Ông Trịnh Đình Năng. Ảnh: Châu Long

Vốn rất thính nhạy trong việc nhận ra những bài toán mới của cuộc sống nên đang tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực môi trường, nhận thấy người dân trồng nghệ bán sản phẩm với giá rẻ trong khi củ nghệ có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và xu hướng ứng dụng công nghệ nano trong các sản phẩm tiêu dùng, y dược đang lên ngôi, ông Năng lại cùng con trai ông là Trịnh Gia Linh - một chuyên gia cơ khí - xoay qua nghiên cứu và thiết kế dây chuyền công nghệ cao sản xuất nano curcumin từ củ nghệ.

Dù là nghề “tay trái”, nhưng một lần nữa ông lại thành công khi dây chuyền mà ông thiết kế có thể cho ra sản phẩm nano curcumin có độ tinh khiết đến 95%, trong khi các công nghệ khác thường chỉ tạo ra sản phẩm tinh chất nghệ có tỷ lệ curcumin đạt 71%.

Rất nhiều lần gặp ông tại các buổi hội thảo về công nghệ sau thu hoạch, các triển lãm về công nghệ, bao giờ tôi cũng thấy ông ngồi đến phút cuối cùng, chăm chú lắng nghe, ghi ghi, chép chép... và nhận ra sức mạnh tinh thần tự học bất chấp tuổi tác của con người này. Nhà sáng chế “chân đất” từng tâm sự: “Cách tốt nhất là tự học và đi tìm câu trả lời cho thực tế cuộc sống”.

Nhờ tinh thần đó, gian hàng của công ty ông luôn thuộc nhóm nổi bật và thu hút khách tham quan nhất trong các hội chợ, triển lãm công nghệ. Nơi đó, ông giám đốc luôn đích thân giới thiệu sản phẩm của mình một cách nhiệt tình, say sưa với phong thái nhanh nhẹn và cũng rất “nông dân”.

Tinh thần doanh nghiệp

Dù rất đam mê công nghệ, đam mê tìm tòi nghiên cứu nhưng với Trịnh Đình Năng, mọi sản phẩm ông làm ra đều là để đáp ứng nhu cầu của thị trường, của đời sống chứ không phải chỉ để thỏa mãn đam mê. Do đó, không có chuyện kết quả nghiên cứu bị cất ngăn kéo mà phải được biến thành hàng hóa.

Qua Công ty TNHH nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long mà ông thành lập - đã được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, các sản phẩm nghiên cứu của ông đều được ứng dụng vào sản xuất và đưa ra thị trường. Để tăng tối đa khả năng tiếp cận khách hàng, nhà sáng chế “chân đất” Trịnh Đình Năng bền bỉ đi khắp các địa phương - từ Hà Nội đến Thái Nguyên, Cao Bằng, Thanh Hóa... Hầu như hội chợ giới thiệu công nghệ nào ở miền Bắc cũng có gian hàng của ông.

Hiện lò đốt rác thải y tế nguy hại do ông Năng sáng chế đã bán được cho 3 địa phương. Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông Năng chỉ cười, nói ngắn gọn: “Người có đam mê đi tìm lời giải đến cùng cho bài toán mà thực tế đòi hỏi chắc chắn sẽ thành công”. Điều này quả đúng với ông - con người có dáng vóc gầy gò (có lẽ cân vội cũng chỉ 50kg) nhưng lúc nào cũng nhanh nhẹn, sôi nổi, nói như lên đồng và đọc vanh vách từng thông số sản phẩm mỗi khi có ai đó khơi trúng mạch.

Điều mà ông luôn trăn trở là làm thế nào để các kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi hơn nữa; làm sao để các sản phẩm nghiên cứu trong nước chiến thắng hàng nhập ngoại... Tìm câu trả lời cho vấn đề này không dễ nhưng ông Năng vẫn tin, khi sản phẩm cạnh tranh được cả về giá cả và chất lượng thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường, mà dây chuyền chiết xuất nano curcumin của ông là một ví dụ.

“Không thể để kết quả nghiên cứu nằm yên một chỗ được. Phải đưa nhanh vào ứng dụng. Chỉ có cách đó mới có thu nhập để quay vòng và tiếp tục nghiên cứu” - ông Năng nói. Nhà sáng chế chia sẻ, hiện ông rất bận rộn với dự án đưa dây chuyền sản xuất nano cucurmin vào sản xuất dược phẩm và các tinh chất từ sản phẩm thiên nhiên như củ gừng, nghệ và quế.

Nhà sáng chế khoe: “Dự án có quy mô 300 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư toàn bộ. Tôi chỉ góp công nghệ. Dự kiến đầu năm 2018, nhà máy chính thức đi vào sản xuất”.

Các sản phẩm nghiên cứu của ông Trịnh Đình Năng

Lò đốt và hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại: Đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn năm 2012. Cùng năm, sản phẩm được Bộ Công Thương bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc.

Đầu đốt sử dụng nhiên liệu lỏng: Được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2013.

Thiết bị và công nghệ chiết xuất nano curcumin từ củ nghệ vàng: Đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn năm 2014-2015.