Điều đặc biệt ở NGND-GS-TS Nguyễn Quang Thạch này là ngoài việc chú tâm đào tạo nhân tài, ông còn luôn canh cánh lo chuyện đầu ra cho các sinh viên của mình sau khi tốt nghiệp.

GS-TS Nguyễn Quang Thạch (giữa).
GS-TS Nguyễn Quang Thạch (giữa).

Quý trọng những kiến thức khoa học mà mình đã dành cả cuộc đời nghiên cứu để tìm tòi, “tích cóp”, GS-TS Nguyễn Quang Thạch luôn coi trọng việc truyền thụ nó cho các thế hệ sinh viên. Điều đặc biệt ở nhà giáo, nhà khoa học đầy tâm huyết này là ngoài việc chú tâm đào tạo nhân tài, ông còn luôn canh cánh lo chuyện đầu ra cho các sinh viên của mình sau khi tốt nghiệp.

Vị giáo sư không ngừng tìm kiếm và tranh thủ mọi cơ hội mà ông gặp được trong quá trình nghiên cứu, hoạt động khoa học để học trò của mình có công ăn việc làm phù hợp với chuyên môn, giúp rèn luyện về chuyên môn.

GS-TS Thạch kể lại, sau khi hướng dẫn thành công một nhóm sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp về công nghệ trồng rau sạch bằng kỹ thuật thuỷ canh, ông nhận được đề nghị làm mô hình trồng rau sạch khí canh từ một doanh nghiệp. Trong các nguyên nhân khiến ông quyết định nhận lời có một nguyên nhân rất đặc biệt: “Một công ty thực phẩm đã tìm tới tôi, đề nghị nhóm nghiên cứu của tôi giúp họ triển khai mô hình rau sạch thuỷ canh. Đợt đó có 10 em sinh viên sau khi tốt nghiệp đã xin ở lại làm với tôi. Thấy bọn trẻ yêu nghề vậy, tôi nhận lời công ty kia để tìm cách giúp chúng”.

Vậy là ông giáo già lại lên đường cùng sinh viên đi khảo sát địa điểm và lên kế hoạch làm mô hình canh tác. Ông tặc lưỡi hóm hỉnh: “Từ trải nghiệm thực tế, bọn trẻ sẽ trưởng thành và có thêm kinh nghiệm. Nếu mô hình thành công, chúng nó có thể sẽ được nhận làm việc luôn. Việc có ích như vậy, có lý do gì mình không làm?”.

Xúc động trước tấm lòng người thầy phúc hậu, sinh viên Bùi Thị Hải Yến - K57 Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - kể, trước khi làm khoá luận tốt nghiệp, cô chỉ nghĩ đơn giản đây là một nấc thang giúp mình trưởng thành hơn và ra trường. Nhưng không ngờ việc làm khoá luận lại còn là duyên may không nhỏ khi người hướng dẫn là GS Thạch. Với cô, nhà khoa học này không chỉ là một người thầy mà còn là người ông, không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn theo dõi từng bước đi như đối với con cháu trong nhà.

Yến tâm sự: “Lần gần đây nhất, thầy Thạch dẫn chúng tôi đến làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nghe thầy tâm sự với các cán bộ ở đó, tôi có cảm giác đó là người ông đang dẫn các cháu đi xin việc thì đúng hơn. Thầy bảo, sự tin yêu của chúng tôi tạo ra áp lực cho thầy, thầy muốn hướng chúng tôi đi con đường đúng nhất, nếu sai thì sẽ rất áy náy”.

“Và quả thực, chưa khi nào tôi dám nghĩ, trong quãng đời đại học mình có thể gặp được một người thầy như thế” - Yến nói.