Các nhà khoa học tìm thấy đồ gốm sứ chứa cặn bia, chứng tỏ người Trung Quốc đã biết cách nấu bia từ lúc mạch, kê và ý dĩ từ cách đây 5.000 năm.



Một mảnh vỡ bếp lò tìm thấy ở khu di chỉ Mijiaya có thể được dùng để đun nóng ngũ cốc nghiền lên men trong quá trình sản xuất bia. Ảnh: Fulai Xing.

Theo International Business Times, nghiên cứu công bố hôm 26/4 trên tạp chí PNAS chỉ ra những người cổ đại sống ở khu vực Mijiaya, phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã thành thạo kỹ thuật ủ và lên men bia phức tạp. Đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy kỹ thuật này đã tồn tại từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ 5.000 năm ở Mijiaya, các nhà khoa học tìm thấy hai hố dưới mặt đất chứa một số đồ tạo tác và gốm sứ.

Ba loại bát đãi sành phát hiện ở nơi khai quật gồm vại miệng rộng, phễu và vò hai quai, tất cả đều phủ cặn vàng ở bên ngoài. Theo Jiajing Wang, nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford University ở California, Mỹ, chúng được sử dụng trong các phân đoạn nấu, lọc và lưu trữ của quá trình sản xuất bia.

Nhóm nghiên cứu thực hiện ba loại phân tích để xác định tính chất cặn: phân tích hóa học, phân tích tinh bột nhằm xác định loại thực vật và phân tích silic sinh học, những kết cấu vi mô cứng tìm thấy trong mô thực vật sau khi cây phân hủy.

Phễu để sản xuất bia tìm thấy ở Mijiaya. Ảnh: Jiajing Wang.

Các nhà khoa học tìm thấy tổng cộng 541 hạt tinh bột từ số đồ gốm sứ. Nhờ kết hợp nhiều phương pháp phân tích, họ có thể phân biệt dấu tích của những loại ngũ cốc và thực vậy khác nhau, bao gồm cây kê, ý dĩ, lúa mạch và cây thân củ. Ngoài ra, dấu tích không nguyên vẹn của hạt chỉ ra chúng đã trải qua quá trình đun nóng, ủ và nghiền nát trong thời gian dài.

Theo tác giả nghiên cứu, vào 5.000 năm trước, cư dân địa phương phát triển một phương pháp lên men phức tạp bằng cách ủ và nghiền những cây tinh bột khác nhau để tạo ra một loại bia hỗn hợp bằng dụng cụ đặc biệt.

Nghiên cứu cũng hé lộ lúc đầu, cây lúa mạch có thể được trồng để sản xuất bia từ hàng nghìn năm trước khi trở thành một loại cây lương thực của nền nông nghiệp trong khu vực. Lúa mạch được thuần hóa ở phía tây đại lục Á - Âu và sau đó đưa vào Trung Quốc thông qua thảo nguyên Trung Á.