Theo giáo sư Thiên văn học Brian Cox, sở dĩ người ngoài hành tinh chưa liên lạc với chúng ta là bởi họ tự hủy diệt trước đó. Nhà khoa học này cũng cho rằng rất có khả năng một kịch bản tương tự sẽ xảy ra với hành tinh xanh.

Một trong những bí ẩn lớn mà ngành Thiên văn học vẫn chưa thể giải đáp là: Tại sao chúng ta không thể tìm thấy các nền văn minh ngoài Trái đất khi trong dải thiên hà của chúng ta có khoảng 200-400 tỷ ngôi sao và có ít nhất 100 tỷ hành tinh?

Liệu chúng ta có bao giờ phát hiện được một nền văn minh khác trong vũ trụ? Rất nhiều bộ phim về đề tài người ngoài hành tinh xâm chiếm Trái đất hoặc người ngoài hành tinh trong không gian, từ phim Alien (Người ngoài hành tinh-PV) đến District 9 (Quận 9-PV). Tuy nhiên, theo nhà vật lý học người Anh Brian Cox, trên thực tế điều đó khó có thể xảy ra.

Giáo sư Cox - vốn còn được biết đến với vai trò là người dẫn chương trình Stargazing Live (Ngắm sao-PV) và Wonders of the Universe (Những kỳ quan trong vũ trụ-PV) - thừa nhận rằng ông tin tưởng cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất sẽ khó có kết quả. Đơn giản là bởi các sinh vật thông minh sẽ tự hủy diệt không lâu sau khi trải qua quá trình tiến hóa.

Người ngoài hành tinh tự hủy diệt trước khi có thể liên lạc với con người? Ảnh: Daily Mail

Theo tờ The Sunday Times, giáo sư Cox cho biết trình độ phát triển công nghệ và kỹ thuật của bất cứ dạng người ngoài hành tinh nào có thể vượt qua sự phát triển của các tổ chức chính trị quản lý họ. Điều đó dẫn đến mô hình của sự tự diệt vong.

Công nghệ giúp tạo ra năng lượng nhưng cũng tạo ra khí nhà kính hoặc vũ khí hạt nhân có thể huỷ diệt nền văn minh sau vài nghìn năm phát triển. Kịch bản này cũng có thể đe doạ sự sống của con người trên Trái đất.

Vấn đề này được đặt ra lần đầu tiên bởi nhà Vật lý học Enrico Fermi vào năm 1950. Ông cho rằng bất cứ nền văn minh nào sở hữu công nghệ tên lửa cũng có thể chuyển đến định cư tại một thiên hà khác trong vài triệu năm. Vậy tại sao chúng ta vẫn chưa phát hiện ra các bằng chứng về sự hiện diện của họ?

“Một giải pháp cho bài toán mâu thuẫn của Fermi là: Sẽ bất khả thi để một thế giới có khả năng tự hủy diệt duy trì sự tồn tại và cần có sự hợp tác toàn cầu để ngăn chặn điều đó (sự hủy diệt)”- giáo sư Cox cho biết. “Có thể sự phát triển của khoa học và kỹ thuật vượt xa sự phát triển của giám sát chính trị là nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ”.

Giáo sư Cox vừa xuất bản một cuốn sách có tên Universal: A Guide to the Cosmos viết chung với Jeff Forshaw - người đồng nghiệp của ông tại Đại học Manchester. Quyển sách giải thích một cách khoa học sự phát triển của vũ trụ từ khi xảy ra vụ nổ Big Bang khoảng 14 tỷ năm trước. Họ cho rằng Big Bang chỉ là một trong rất nhiều các sự kiện tương tự trong không gian và có những vũ trụ khác trong từng đó các định luật vật lý hoạt động theo những cách khác nhau.

“Những ý tưởng này có vẻ kỳ dị nhưng lại được dựa trên các chứng cứ và lý luận vững chắc” - giáo sư Forshaw bình luận. “Mục đích của quyển sách là để chỉ ra việc bằng cách nào bạn có thể sử dụng bằng chứng đơn giản nhưng vững chắc và những ý tưởng để đi đến những kết luận mạnh mẽ”.

Giáo sư Cox. Ảnh: Bigissue

Ý tưởng gây tranh cãi nhất của hai tác giả này là việc cho rằng chính trị gia nên bắt đầu nghĩ như nhà khoa học và dựa trên góc nhìn của họ trên bằng chứng và tư tưởng thay vì luôn cố gắng chỉ cho dư luận sự chắc chắn.

“Một nhà khoa học muốn nên thế nào? Chúng ta muốn mình luôn đúng? Hay chúng ta quan tâm đến việc hiểu rõ bản chất? Nếu quan tâm đến bản chất, chúng ta nên vui khi được chứng minh rằng mình sai” - Giáo sư Cox nói.

“Tương tự như vậy, các chính trị gia nên vui mừng khi chính sách của mình có hiệu quả nhưng cũng nên vui như vậy nếu ai đó mang đến điều gì tốt hơn” - Giáo sư Forshaw nói thêm.