Sau chùm bài về ngành khoa học về giới và phụ nữ trên Khoa học và Phát triển số 9, một số độc giả muốn được các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực này tiết lộ thêm về sự phát triển nữ quyền ở Việt Nam.

GS-TS Lê Thị Quý - Đại học Thăng Long, Hà Nội - tiết lộ, công cuộc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam diễn ra khá sớm so với thế giới.

Cán bộ UN Women (trái) trong một dự án về phụ nữ. Ảnh: UN Women

“Trong hàng chục thế kỷ, tư tưởng nho giáo đề cao phụ quyền, chống phụ nữ triệt để khiến phụ nữ Việt Nam bị đối xử khắt khe, bị bóc lột và chịu cảnh lệ thuộc. Sự bất bình đẳng thể hiện trong pháp luật của chế độ phong kiến, trong phong tục tập quán từ nhiều đời, trong nếp nghĩ khiến người dân thậm chí không nhận thấy là phụ nữ đang bị phân biệt, bị đối xử bất công. Cách mạng tháng Tám thành công không chỉ giải phóng dân tộc mà còn đưa phụ nữ từ địa vị thấp kém lên ngang hàng nam giới, bởi chủ nghĩa Mác đặt ra nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giai cấp và phụ nữ. Thậm chí ở nhiều nước phương Tây, phụ nữ phải đấu tranh từng bước để giành các quyền chính đáng về lương, chế độ lao động, thai sản, nuôi con nhỏ... thì ở Việt Nam, trên phương diện luật pháp, phụ nữ đã bình đẳng từ năm 1945” - GS Quý nói.

Tuy nhiên theo bà, luật pháp không giải quyết được mọi chuyện. Trong 3 loại bất bình đẳng lớn của loài người - chủng tộc, giai cấp và giới - thì bất bình đẳng giới là sâu sắc, dai dẳng và khó giải quyết nhất bởi nó bắt đầu sớm nhất và diễn ra cả trong gia đình và xã hội, trong nhận thức con người. Điều này thể hiện trong chính sách khi đàn ông chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần xây dựng nó, như quy định phụ nữ về hưu trước nam giới 5 năm.

“Lý do phụ nữ lao động vất vả hơn là không hợp lý, vì lao động thì nam và nữ đều vất vả. Phụ nữ phải sinh nở trong thời sung sức nhất, đến giai đoạn có thể yên tâm công tác thì phải về hưu, đó là sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển” - bà Quý nói và khẳng định, chặng đường đến bình đẳng giới thực sự ở Việt Nam còn dài và cần thêm nhiều nghiên cứu để tác động đến chính sách.

Còn PGS-TS Lương Thu Hiền - Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng: “Muốn xóa bất bình đẳng giới, chúng ta nên bắt đầu từ nam giới - những người thường nắm quyền lực trong tay. Sự thay đổi về nhận thức của nam giới sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt”.