Ở Việt Nam, khi các cơ quan quản lý mới bắt đầu quan tâm đến ô nhiễm chất thải nhựa đại dương thì một ô nhiễm khác đã tiếp tục xuất hiện - ô nhiễm chất thải nhựa trên các dòng sông. Ở một đất nước có hơn 100 cửa sông đổ ra biển như Việt Nam, đây sẽ là một thách thức lớn cho các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu.

Thu gom rác thải trên sông Hoài ở Hội An, Quảng Nam. Nguồn: Quảng Nam Online
Thu gom rác thải trên sông Hoài ở Hội An, Quảng Nam. Nguồn: Quảng Nam Online

Những dòng sông nặng chất thải nhựa

Sông Hương trong thu hút du lịch không chỉ là điểm đến quan trọng mà còn là nguồn cấp nước sạch cho người dân Thừa Thiên Huế. Đáng buồn là hiện nay sông Hương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và gây mất cảnh quan môi trường.

Một kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu ở Khoa Môi trường, Đại học Huế cho biết một đoạn sông Hương từ cầu Dã Viên đến cầu Chợ Dinh (kéo dài khoảng 5km), dưới đáy sông đã chứa 543,8 tấn rác thải nhựa (nếu tính khối lượng khô là 149,1 tấn). “Khối lượng nhựa tồn tại ở đáy sông có xu hướng tăng dần theo dòng chảy và sẽ lớn hơn nếu tính cho toàn bộ con sông”, ThS. Trần Ngọc Tuấn, Khoa Môi trường, Đại học Huế, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trình bày trong hội thảo về ô nhiễm rác thải nhựa do Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức vào ngày 29/11 vừa qua.

Không chỉ sông Hương, thực trạng này còn đang diễn ra ở cửa sông lớn nhất ở miền Bắc - cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng chảy ra biển. Do nơi này rất gần Vườn quốc gia Xuân Thủy nên những ô nhiễm chất thải nhựa có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đây. Trước những mối lo về sinh thái, năm 2018, TS. Chelsea Rochman, Khoa Sinh thái học và Sinh học tiến hóa, Đại học Tổng hợp Toronto (Canada), đã phối hợp với một số nhà nghiên cứu ở Tổ chức Bảo tồn đại dương và Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để đánh giá hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực cửa Ba Lạt sông Hồng. Kết quả khảo sát các điểm dọc theo bờ sông, cửa sông, phần đê sông và phần đất hướng ra biển cho thấy các điểm dọc sông Hồng là nơi có mật độ rác thải cao nhất. “Mức độ ô nhiễm rác thải nhựa cao ở sông Hồng không còn là điều nghi ngờ và bằng chứng cũng cho thấy, lượng rác này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe hệ sinh thái và người dân địa phương”, TS. Rochman cho biết.

Những kết quả trên cho thấy việc thúc đẩy nghiên cứu về ô nhiễm rác thải nhựa ở các dòng sông là điều cần thiết, đặc biệt với một quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc như Việt Nam.

Hợp tác quốc tế để tìm giải pháp xử lý

Vậy đâu là nguyên nhân hạn chế việc nghiên cứu rác thải nhựa ở sông tại Việt Nam? Theo ThS. Hà Thị Hiền, Khoa Môi trường, Đại học Thủy lợi, một trong những khó khăn lớn nhất là đầu tư cho trang thiết bị nghiên cứu. “Nghiên cứu về rác thải nhựa ở sông tốn kém hơn so với trên đất liền. Khi lấy mẫu trầm tích bề mặt ở dưới lòng sông, có chỗ sâu hàng chục mét thì phải thuê người, sau đó lựa chọn phương pháp phân tích nào, mua hóa chất,.. cũng tốn nhiều thời gian và chi phí”, chị lý giải. Hiện nay chị và nhóm nghiên cứu ở Khoa Môi trường, Đại học Thủy lợi, đang thực hiện một đề tài về ô nhiễm rác thải nhựa ở vùng cửa Ba Lạt sông Hồng do quỹ NAFOSTED tài trợ. “Sau khi thu mẫu từ dưới đáy sông lên, chỉ tính riêng thời gian lọc mẫu để đưa đi phân tích các thành phần vi nhựa trong đó cũng mất hằng tháng trời”, ThS. Hà Thị Hiền cho biết.

Trước thực tế trên, TS. Lê Thị Vân Huệ ở Viện Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc hợp tác với những đơn vị nghiên cứu lớn trên thế giới - có ưu thế về nguồn lực và kinh nghiệm của người đi trước, không chỉ góp phần giải quyết khó khăn về trang thiết bị mà còn hỗ trợ nâng cao năng lực của các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Một điều thuận lợi để hiện thực hóa điều này là cả hai bên - các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế đều có nhu cầu nghiên cứu về rác thải nhựa ở sông. Chẳng hạn như năm 2018, Chương trình khung về nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo của Liên minh châu Âu – Horizon 2020 đã tài trợ cho Đại học Tổng hợp Birmingham thực hiện dự án “100 dòng sông nhựa toàn cầu” – dự án lớn nhất thế giới hiện nay về nghiên cứu rác thải nhựa ở sông nhằm tìm hiểu về ô nhiễm vi nhựa ở các dòng sông trên toàn thế giới. “Chúng tôi đã hợp tác với các đơn vị ở 27 quốc gia khác nhau, nếu không có sự liên kết thì rất khó đạt được mục tiêu trên do không có phương pháp lấy mẫu, khai thác và phân tích thống nhất”. GS. Stefan Krause, Trường Địa lý, Khoa học Trái đất và Môi trường, Đại học Tổng hợp Birmingham, Anh chủ trì dự án cho biết. Còn ở Việt Nam, một số nhóm nghiên cứu về rác thải nhựa ở sông tại Việt Nam như Viện Tài nguyên và Môi trường của Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng một dự án với Đại học Tổng hợp Birmingham về xử lý ô nhiễm ở cửa Ba Lạt sông Hồng, dự định trước mắt sẽ xử lý về ô nhiễm hữu cơ, sau đó mới làm về rác thải nhựa. Chúng tôi muốn thực hiện tuần tự theo từng bước để xử lý triệt để ô nhiễm nơi đây”, TS. Lê Thị Vân Huệ cho biết.