Ngay cả các trường tư, thu học phí cao ở Việt Nam cũng không có phòng thí nghiệm trang bị máy móc hiện đại như ở các nước phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc dạy STEM vẫn có thể hiệu quả ở điều kiện vật chất khiêm tốn, nếu xác định STEM là cần thiết.

Đi lại con đường của nhà khoa học

Có tiếng về cơ sở vật chất tốt, nhưng phương tiện thực hành các môn STEM ở Trường Phổ thông liên cấp Olympia không quá khác biệt so với các trường đang chú trọng phát triển STEM khác ở Hà Nội. Đầu tư thiết bị xa hoa không phải là cách Olympia áp dụng để phát triển STEM, mà cái được chú trọng là phương pháp.

Có thể thấy điều này trong một tiết STEM chủ đề hấp thụ nhiệt. Khi cô giáo Mai Nguyệt cho biết vật tối hấp thụ nhiệt tốt hơn, nhiều học sinh thắc mắc tại sao. Không giải thích ngay, cô thực hiện luôn một thí nghiệm nhỏ: Chiếu đèn cùng công suất vào 2 cốc có lượng nước bằng nhau nhưng màu vải bọc khác nhau; kết quả đo cho thấy cốc bọc vải sẫm màu hơn có nhiệt độ cao hơn. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên lẫn thích thú của học sinh, có thể thấy kiến thức này đã “ngấm” vào các em một cách dễ dàng.

“Đây là cách mà học sinh trường chúng tôi được dạy - để các em đi lại con đường mà các nhà khoa học đã đi, đối mặt với một hiện tượng và tìm cách lý giải” - bà Trần Thị Thúy Liên - trưởng bộ môn STEM nói. “Các em được truyền đạt kiến thức, quan sát thực tế để phát hiện vấn đề, từ đó đưa ra giả thuyết khoa học - điều sẽ được kiểm chứng qua các thí nghiệm. Các em ghi lại kết quả thử nghiệm, tìm hiểu vì sao không khớp với giả thuyết, làm lại thí nghiệm rồi mới rút ra kết luận”.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) thực hiện thí nghiệm trong giờ học STEM. Ảnh: NV

Tại Olympia, học sinh còn được dạy phương pháp, quy trình triển khai một nghiên cứu khoa học. Đề tài đều rất đơn giản, xuất phát từ sự “đặt hàng” của cuộc sống và lời giải chính là sản phẩm. Với sự gợi mở của giáo viên, các em tự tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết, từ đó không chỉ tăng hứng thú với khoa học mà còn làm quen dần với công việc nghiên cứu. Có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như: Nhà nổi cho dân vùng lũ, hệ thống chống trộm bằng cảm biến ánh sáng; máy ấp trứng bằng năng lượng hóa học...

Cô giáo Nguyễn Bích Huyền - Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu - một trường mạnh về STEM ở Hà Nội - khẳng định: “Nghèo không phải lý do để không dạy STEM”. Không chờ đến khi có thiết bị “hoành tráng”, trường phát triển Stem với 2 cách: Dạy theo dự án hoặc dạy liên môn.

Một tiết học STEMở Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Ảnh: NV

Cô Huyền giải thích, ở kiểu thứ nhất, để tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên lên dự án để triển khai cho nhiều tuần. Tuần đầu, giáo viên nêu câu hỏi để trẻ tư duy, phán đoán chủ đề là gì và tự tìm hiểu về chủ đề qua mạng, sách báo. Tuần thứ hai, trẻ thảo luận cách thực hiện đề bài theo nhóm, chuẩn bị nguyên liệu để làm và thử nghiệm sản phẩm trong tuần thứ ba, thứ tư. Tuần cuối, trẻ viết báo cáo về sản phẩm, trình bày kiến thức thu được, nguyên lý tạo ra sản phẩm của mình, ưu điểm và hạn chế của nó... Trong cách dạy liên môn, với mỗi chủ đề, giáo viên các môn thảo luận xem dạy môn nào trước, hoặc thống nhất để một giáo viên đảm nhận; hoặc các môn dạy song song về cùng một chủ đề.

Gỡ khó về điều kiện vật chất

Mặc dù vật chất không phải điều kiện tiên quyết nhưng hiệu quả STEM giảm do thiếu thốn là thực tế được thừa nhận. Giáo viên buộc phải “từ cái khó ló ra cái khôn”. TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - gợi ý: “Nên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có như các phòng thí nghiệm trường. Phong trào giáo viên, học sinh tự làm đồ dạy và học cũng là cơ hội áp dụng kiến thức đã có để tạo ra sản phẩm”.

Học sinh Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) thử nghiệm sản phẩm trong tiết STEM. Ảnh: Lê Phượng

Cô Huyền cho rằng rất nhiều việc thầy cô có thể làm mà không cần đầu tư đáng kể: Tận dụng phòng thí nghiệm, dùng công nghệ thông tin để truyền cảm hứng khi trẻ làm thí nghiệm (như để giảng về sự phát triển của cây, sau khi hướng dẫn trẻ gieo mầm, có thể chiếu clip về sự sinh trưởng của cây)... “Chỉ cần thực sự hứng thú với Stem, giáo viên có thể xây dựng nội dung giảng dạy theo tinh thần STEM” - cô Huyền nói.

Liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để đưa học sinh tới thực hành ở phòng thí nghiệm của họ là hướng đi mà một số trường đã áp dụng - trong đó có Olympia. Không chỉ tận dụng được hệ thống hạ tầng, thiết bị hiện đại mà mình chưa thể đầu tư, các trường còn đưa được học sinh vào môi trường khoa học thực sự, giúp nhen nhóm và khuyến khích trẻ theo đuổi đam mê khoa học.

Em Lê Trần Anh Đức - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành viên Câu lạc bộ STEM SOS - cũng gợi ý: “Ở Hà Nội có một số không gian thí nghiệm dành cho học sinh như Maker HaNoi hay Fablab Hanoi - những nơi tạo cơ hội cho học sinh đến học và làm. Đó là cộng đồng mở nên các bạn có thể gặp các anh chị có kinh nghiệm đến từ nhiều trường đại học”.

Từng đi nói chuyện về STEM ở khá nhiều nơi tại Hà Nội, Đức nhận xét, các trường thường không có phòng Stem riêng hay thư viện có tài liệu về STEM, thầy cô dạy STEM chưa hấp dẫn lắm. “Dù vậy, em tin rằng nếu trường tạo điều kiện và học sinh đủ thích thú để chủ động học thì việc phát triển STEM sẽ đơn giản hơn. Nếu nhà khá giả, các bạn có thể tự mua đồ về làm, nếu không thì tận dụng các đồ cũ, linh kiện cũ vẫn hiệu quả” - Đức tin tưởng.

Ngày 25/3, Ngày hội Olympia STEM Fair 2017 sẽ được tổ chức tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia (khu đô thị Trung Văn, phố Tố Hữu, Hà Nội) với sự đồng hành của Hội đồng Anh và sự tham gia của một số trường khác.

Olympia STEM Fair có các hoạt động vui chơi, thí nghiệm khoa học, trò chuyện với các chuyên gia Stem. Trên diện tích gần 10.000m2, các hoạt động trong ngày hội được chia thành 4 khu: Triển lãm sách; trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ của học sinh; trải nghiệm STEM; khu thương mại.