Quyết tâm theo đuổi đầu tư đổi mới công nghệ, lại được hỗ trợ của Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia, một số doanh nghiệp cơ khí bước đầu đã thành công trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành cơ khí chế tạo đặt mục tiêu nội địa hóa 40% đến năm 2025 | Ảnh minh họa
Ngành cơ khí chế tạo đặt mục tiêu nội địa hóa 40% đến năm 2025.

Thời gian gần đây, vụ việc 12 đại dự án bị “đổ bể” hay việc tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn gấp đôi thường được lý giải bởi các nguyên nhân xoay quanh các tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình). Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), “Có thể nói là tất cả những sự chậm trễ, thất thoát hay bị tăng giá là do trình độ về cơ khí- tự động hóa của chúng ta chưa đủ, dẫn đến chưa làm chủ được những công trình đầu tư xây dựng và lệ thuộc vào nước ngoài. Nhìn lại các nước Hàn Quốc, Trung Quốc hay Thái Lan có nền cơ khí phát triển sẽ thấy họ rất độc lập tự chủ trong việc đầu tư xây dựng những công trình lớn.”

Từ khoảng 20 năm trước, cơ khí đã được kì vọng là ngành xương sống của nền kinh tế, trở thành nền tảng để hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Nhưng đến bây giờ, lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho thấy cả nước có hơn 25.000 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí, trong đó 1/3 là doanh nghiệp nội địa, và mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí cả nước. Tỷ lệ này đặt ra cho năm 2025 là 45%.

Xét về trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam còn khá lạc hậu so với thế giới.

So với thế giới, về khâu thiết kế, các nước phát triển đã dùng phần mềm thiết kế chuyên dụng cho mỗi sản phẩm trong khi chúng ta phần lớn chưa có. Thứ hai về công nghệ tạo phôi, bao gồm rèn, dập, đúc, tôi cho rằng cũng chưa thật hiện đại. Thứ ba về gia công cơ khí, thế giới đã dùng đến những công nghệ tự động hóa, robot hóa, và dùng máy CNC (Computer Numerical Control) thế hệ mới có thể gia công nhiều bước công nghệ trong một lần làm, nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn dùng máy móc đời cũ, đồng thời nếu có máy gia công cơ khí CNC thì nó cũng ở một bước công nghệ nhất định thôi chứ chưa phải là tổng thể. Việc lắp ráp cũng ổn, nhưng các thiết bị đo để kiểm soát quá trình cũng chưa phải hiện đại”, ông Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam VINALIFT, nhận xét về trình độ cơ khí Việt Nam thể hiện qua 5 bước: Thiết kế, tạo khuôn, gia công, xử lý bề mặt và lắp ráp.

Tuy vậy đã có những công ty theo đuổi đổi mới công nghệ và đạt được thành công nhất định. Trong ngành ô tô, tập đoàn lớn như THACO không những đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài một số linh kiện, phụ tùng như bộ nhíp, dây điện, kính. Một số ít doanh nghiệp đã nhập được vào chuỗi cung toàn cầu như công ty cơ khí HTMP chuyên làm khuôn, công ty công nghiệp Trí Cường chuyên làm thiết bị tự động,… Những nhà sáng chế nổi tiếng như Bùi Văn Ngọ nổi tiếng với các loại máy nông nghiệp, máy xay xát cạnh tranh với nhiều loại máy từ Nhật, Hàn, Trung Quốc để xuất sang các nước châu Phi, châu Á khác.

Một số thiết bị cơ khí, linh kiện phục vụ ngành ô tô của Việt Nam đã có thể xuất khẩu ra nước ngoài | Ảnh minh họa
Một số thiết bị cơ khí, linh kiện phục vụ ngành ô tô của Việt Nam đã có thể xuất khẩu ra nước ngoài | Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, kể từ khi Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia vào năm 2013, những doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp cơ khí, xác định mình có cơ hội nắm bắt được một đơn hàng lớn cho thị trường trong nước hoặc nước ngoài, có cơ hội nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đề án đầu tư làm chủ công nghệ, cải tiến hoặc hoàn thiện công nghệ của mình nếu họ có giải trình tốt.

Chẳng hạn như VINALIFT, đơn vị tham gia một nhiệm vụ trong chương trình về nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và đổi mới công nghệ chế tạo một số bộ phận của các loại cầu trục, cổng trục cảng biển từ năm 2017, đã được hỗ trợ 3 hạng mục: phần mềm thiết kế chuyên dụng, một phần chi phí đầu tư mua thiết bị gia công cơ khí chính xác, và các thiết bị đo. Điều này giúp công ty thuận tiện theo đuổi phân khúc sản xuất thiết bị phi tiêu chuẩn sang nhiều thị trường mới.

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Trần Văn Tuấn của VINALIFT nhấn mạnh: “Để tiếp cận được chương trình của Bộ KH&CN thì dự án đó cũng phải nằm trong chu kì đầu tư của bản thân doanh nghiệp. Nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa 30%, còn lại 70% vẫn là tự thân. Ví dụ đầu tư máy CNC cỡ lớn cũng hơn 1 triệu USD. Như vậy, nếu không quyết tâm thực hiện tốt hoặc không hấp thu được công nghệ thì phần bản thân chúng tôi mất đi sẽ nhiều hơn”.

Hay trong ngành ô tô, việc khó nhất là khi làm thân xe, các tấm tôn phải cắt ra thành những mảnh rất nhỏ, được dập thành hình và hàn lại. Với một khung xe 4-5m khi hàn cần có đồ gá để máy hàn tự động chạy theo đường nhất định, gọi là bộ jig hàn. Trước đây bộ jig này chỉ có công ty Hàn, Nhật làm ra. Trung Quốc thường chế tạo phục vụ thị trường nội địa của họ.

Nhưng một công ty Việt đã có kinh nghiệm hợp tác với công ty Nhật Bản là Công ty cổ phần công nghệ Đức Trung đã được Bộ KH&CN hỗ trợ dự án nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và đổi mới công nghệ chế tạo đồ gá hàn khung đầu và sườn xe ô tô con từ năm 2018, và đã làm chủ được công nghệ chế tạo jig cũng như nhận được một loạt đơn hàng trong và ngoài nước.

"Nó làm thay đổi hẳn tính chất của công ty. Đồng thời có thể tạo ra những đột phá và lan tỏa. Tưởng tượng trước đây nếu ta chỉ hàn theo jig của KIA, Mazda, Huyndai mang sang thì phần lợi nhuận của Việt Nam chỉ là công sức. nhưng khi chúng ta thiết kế được jig thì khi mẫu mã xe thay đổi, jig cũng phải thay đổi theo, nên nghĩa là chúng ta đã đi vào khâu sáng tạo rồi. Và lúc đó chúng ta có lợi nhuận hơn", ông Nguyễn Chỉ Sáng nói về thành công của Công ty cổ phần công nghệ Đức Trung. "Hi vọng rằng sau cú huých của Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia thì những doanh nghiệp như Đức Trung có thể làm chủ được thị trường jig hàn..."

Ông Trần Bá Dương (THACO) tại gian trưng bày khung ô tô trong lễ kỉ niệm 60 năm ngành KH&CN Việt Nam ngày 30/11/2019 | Ảnh: Kim Dung
Ông Trần Bá Dương (THACO) tại gian trưng bày khung ô tô trong lễ kỉ niệm 60 năm ngành KH&CN Việt Nam ngày 30/11/2019 | Ảnh: Kim Dung

Một công ty khác, THACO, đang thực hiện với Bộ KH&CN một số dự án tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chẳng hạn với sản xuất lắp ráp ô tô là dự án thiết kế chế tạo xe bus mang thương hiệu Việt Nam; đối với sản xuất linh kiện phụ tùng là dự án thiết kế chế tạo 3 loại khuôn mẫu dập liên hợp, dập vuốt và ép phun ứng dụng trong dây chuyền sản xuất; đối với công nghệ 4.0 là dự án tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô tiến tới xây dựng nhà máy thông minh. Các quá trình này đã giúp việc sản xuất 1 số dòng xe của công ty đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, đủ yêu cầu để xuất khẩu sang các nước trong khu vực với thuế xuất 0%.

Chúng tôi hi vọng những kết quả về đổi mới công nghệ có thể tạo hiệu ứng lan tỏa sang các doanh nghiệp, lĩnh vực khác và kết hợp được nhà sản xuất với các viện nghiên cứu, trường đại học để có được hiệu quả thiết thực vào trong chính sản phẩm thương mại”, ông Trần Bá Dương Chủ tịch HĐQT công ty THACO, chia sẻ.

Dĩ nhiên, những hỗ trợ của nhà nước về công nghệ chỉ là bước đầu. Các doanh nghiệp ngành cơ khí và tự động hóa cần hơn nữa là những chính sách về thị trường, tức chính phủ trong một chừng mực nào đó phải tạo dựng được thị trường nội địa, cung cấp được các đơn hàng cho doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội để họ làm chủ công nghệ về những ngành mà nhà nước sẽ đầu tư lớn.

Khi doanh nghiệp nội đã có những kết quả của các dự án trong nước, họ có thể vững bước phát triển ra những thị trường nước ngoài. Đây là lộ trình mà rất nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã thực hiện thành công.