Các nhà khoa học trên khắp thế giới sẽ cùng quan sát một tiểu hành tinh có kích thước như một ngôi nhà bay ngang Trái Đất ở khoảng cách rất gần vào tháng 10 tới đây.

Tiểu hành tinh 2012 TC4 được dự đoán có kích thước vào khoảng 10 đến 30 mét, sẽ đến gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của mình vào ngày 12 tháng 10, với khoảng cách sẽ không gần hơn 6.800 km.

Dù có khoảng cách rất gần, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến hành tinh của chúng ta. Đây là cơ hội hiếm có để các nhà khoa học quan sát và theo dõi một tiểu hành tinh, nhằm kiểm tra hệ thống phát hiện và theo dõi tiểu hành tinh trên khắp thế giới.

Một tiểu hành tinh sẽ bay ngang gần Trái Đất vào tháng 10 - 1

Đồ họa mô phỏng lúc tiểu hành tinh 2012 TC4 bay ngang ở khoảng cách gần nhất với Trái Đất vào ngày 12 tháng 10 tới đây. Khoảng cách này sẽ không gần quá 6.800 km và ước tính vào khoảng 270.000 km. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.

Như tên gọi, tiểu hành tinh 2012 TC4 được phát hiện vào năm 2012 bởi Hệ thống Kính viễn vọng Khảo sát và Phản hồi nhanh Panoramic (Panoramic Survey Telescope and Rapid Response System, hay Pan-STARRS) ở Hawaii. Các nhà thiên văn đã quan sát được nó từ bảy ngày trước khi đài quan sát Pan-STARRS xác nhận chính thức.

Trước đây tiểu hành tinh này đã một lần bay ngang ở khoảng cách gần với Trái Đất của chúng ta, cũng vào ngày 12 tháng 10 nhưng của năm 2012 - đúng chính xác 5 năm trước so với lần này. Từ đó đến nay chúng ta chưa quan sát thấy nó lần nào nữa, cho đến tháng 10 sắp tới đây.

Vậy nên, quỹ đạo của 2012 TC4 vẫn chưa được biết chính xác. Khoảng cách ước tính của lần gặp gỡ tiếp theo này là vào khoảng 270.000 km - gần bằng hai phần ba khoảng cách từ hành tinh của chúng ta đến Mặt Trăng là 384.600 km.

Một tiểu hành tinh sẽ bay ngang gần Trái Đất vào tháng 10 - 2

Đồ họa mô phỏng lúc tiểu hành tinh 2012 TC4 bay ngang ở khoảng cách gần nhất với Trái Đất vào ngày 12 tháng 10 tới đây. Khoảng cách này sẽ không gần quá 6.800 km và ước tính vào khoảng 270.000 km. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.

“Đây sẽ là một dịp hiếm có cho các nhà nghiên cứu vẽ quỹ đạo của tiểu hành tinh này. Mặc dù ta chưa biết rõ quỹ đạo của nó, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ không gây hại đến Trái Đất chúng ta. Nhóm nghiên cứu đã rất nỗ lực để hoàn thành những công cụ đo đạc và sẽ thực hiện nhiều quan sát liên tục để thu thập dữ liệu phục vụ công việc nghiên cứu,” ông Paul Chodas, quản lý Trung tâm Nghiên cứu về Những vật thể gần Trái Đất (CNEOS) thuộc Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) tại Pasadena, California cho biết.

Vì chúng ta vẫn chưa biết nhiều về 2012 TC4, nên ta có thể đặt ra những viễn cảnh về tiểu hành tinh này. Còn nhớ sự kiện một vật thể không gian chưa rõ đã phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk của Nga vào năm 2013 làm khoảng 1.200 người bị thương, các nhà thiên văn ước tính vật thể bí ẩn đó có đường kính vào khoảng 20 mét.