Khoa học và Phát triển giới thiệu một số nghiên cứu ứng dụng bức xạ, hạt nhân thành công.

Cụm công trình: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - làm chủ nhiệm, đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2016.

Cụm gồm 5 nhóm công trình: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron (PET/CT) để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ; nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị tiên tiến để điều trị ung thư; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết.

Cụm công trình này đã ứng dụng thành công tại Việt Nam một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa, làm chủ công nghệ, thích nghi các phương pháp chẩn đoán và điều trị trong điều kiện thực tế Việt Nam, gồm: Xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ (Radioimmunoassay: RIA), xạ hình PET/CT, SPEC, dao gamma quay (Rotating gamma knife: RGK) điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; xạ trị điều biến liều (IMRT)… Nhờ khả năng phát hiện bệnh sớm, chính xác, điều trị hiệu quả, trúng đích, các kỹ thuật này đã giúp giảm tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư và một số bệnh lý khác.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thành (50 tuổi, Hà Tĩnh) bị bệnh u não và đang được các kỹ thuật viên chuẩn bị lắp khung trên đầu trước khi xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Loan

Đề tài “Nghiên cứu tìm hiểu một số phương pháp tính toán trong phân tích các đặc trưng vật lý đối với lò phản ứng năng lượng” do tiến sỹ Nguyễn Tuấn Khải - Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ KH&CN - chủ trì, với sự phối hợp thực hiện của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Lâm Đồng.

Nhóm nhà khoa học thực hiện đề tài đã nghiên cứu thành công khả năng ứng dụng một số phương pháp và kỹ thuật tính toán hiện đại trong việc phân tích các đặc trưng vật lý, động học và kết hợp vật lý - thủy nhiệt đối với lò phản ứng năng lượng. Nội dung nghiên cứu này được thực hiện dựa trên sự hợp tác với các chuyên gia đến từ Đại học San Jose, Mỹ nhằm mục tiêu nắm vững các hiện tượng vật lý trong lò phản ứng năng lượng; triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trẻ với trung tâm lò phản ứng, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt...

Đề tài “Nghiên cứu xử lý kiểm dịch ruồi đục quả bactrocera correcta trên quả bưởi năm roi bằng phương pháp chiếu xạ trên nguồn chiếu xạ gamma của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội” do nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Bính, Trần Băng Diệp, Phạm Duy Dưỡng, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Thanh Hiền, Vũ Thị Thuỳ Trang thuộc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Bảo vệ thực vật thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: 250Gy là liều hấp thụ tối thiểu đáp ứng yêu cầu xử lý kiểm dịch đối với ruồi đục quả bactrocera correcta. Ở liều chiếu này, ruồi vẫn có thể hoá nhộng nhưng sâu non không thể trưởng thành, nghĩa là không thể lây lan, phát triển, phát sinh được nữa. Liều chiếu xạ 250Gy và cao hơn - lên đến 850Gy - không ảnh hưởng đáng kể đến vẻ ngoài và chất lượng quả, gồm hàm lượng vitamin C, lượng đường và mùi vị quả bưởi. Điều này cho phép khẳng định liều chiếu 250Gy có thể áp dụng để xử lý kiểm dịch đối với ruồi đục quả bactrocera correcta trên quả bưởi.

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để xác định khu vực có mức độ chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người để tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết” do kỹ sư Trần Anh Tuấn - Liên đoàn Vật lý địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường - làm chủ nhiệm.

Đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện các cơ sở KH&CN nhằm xác định địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người; áp dụng các công nghệ đã nghiên cứu để đề xuất khoanh định các địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người; lập sơ đồ phân bố các địa điểm có mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người” (phần đất liền) tỷ lệ 1:1.000.000. Từ sơ đồ này, 72 điểm và khu vực có mức chiếu xạ tự nhiên cao đã được khoanh định và chia thành 3 cấp độ nguy hiểm đối với con người.

Các kết quả đề tài đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về mức độ bức xạ tự nhiên trên toàn lãnh thổ (phần đất liền) đề hỗ trợ công tác quản lý và đánh giá an toàn bức xạ tự nhiên. Đây là tiền đề để các cấp quản lý hoạch định các chính sách xã hội, là cơ sở để các nhà khoa học áp dụng thống nhất vào công tác bảo vệ môi trường.

Đề tài: “Nghiên cứu động học nước ngầm bằng kỹ thuật thủy văn đồng vị phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước khu vực đồng bằng Nam Bộ” do kỹ sư Nguyễn Kiên Chính - Trung tâm Hạt nhân TPHCM - làm chủ nhiệm. Ngoài việc góp phần giải quyết một số vấn đề địa chất thủy văn, đề tài còn hướng đến nghiên cứu áp dụng một số kỹ thuật đồng vị môi trường mới, đáp ứng yêu cầu thực tế tại khu vực nghiên cứu, góp phần thực hiện chương trình hợp tác vùng châu Á- Thái Bình Dương về ứng dụng kỹ thuật đồng vị môi trường đánh giá bổ cập và động học nước ngầm ở khu vực phía nam Việt Nam.

Sản phẩm của đề tài gồm: (1) Cơ sở dữ liệu đồng vị môi trường (đồng vị bền, đồng vị phóng xạ tự nhiên trong nước) các tầng nước ngầm toàn khu vực đồng bằng nam Việt Nam. (2) Số liệu, bản đồ và thông tin thu được về: Tuổi của nước ngầm xác định bằng đồng vị phóng xạ tự nhiên truyền thống (tritium, C-14) và một số đồng vị môi trường thích hợp khác (CFCs, He-4, Kr-81); phân bố tuổi của nước ngầm, hướng và tốc độ vận động của nước trong các tầng chứa nước hiện hữu; cơ sở khoa học về nguồn gốc thành tạo nước ngầm khu vực Đồng bằng Nam Bộ, về khả năng được bổ cấp của một số tầng nước ngầm có ý nghĩa kinh tế cũng như về miền bổ cấp, miền thoát của các tầng nước ngầm này. (3) Số liệu đồng vị trong nước mưa tại 3 điểm quan trắc trong khu vực nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng mạng quan trắc đồng vị trong nước khí tượng cho nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Nam Bộ.

Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng PET/CT sử dụng F18-FDG trong bệnh nhồi máu cơ tim, ung thư hạch và ung thư đại trực tràng” do PGS-TS Lê Ngọc Hà - Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - làm chủ nhiệm.

Đề tài đã xây dựng 6 quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhồi máu cơ tim, ung thư hạch và ung thư đại trực tràng. Trong số đó có quy trình chụp FDG (fluodeoxyglucose - một dược chất phóng xạ có cấu trúc giống glucose) - PET/CT đánh giá khả năng sống còn của cơ tim, lần đầu tiên được ứng dụng ở Việt Nam, tương đương với trình độ các nước có nền y học hạt nhân phát triển trong khu vực. Các kỹ thuật chụp PET/CT chuyên biệt cho ung thư đại trực tràng cũng được áp dụng.

Cũng về PET/CT, bệnh viện còn có đề tài “Nghiên cứu ứng dụng PET/CT và Cyberknife trong chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi”. Đề tài xây dựng được 5 quy trình kỹ thuật tiên tiến ứng dụng FDG - PET/CT ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa và Cyberknife (hệ thống xạ phẫu bằng chùm gia tốc tuyến tính) ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm - kỹ thuật lần đầu tiên ứng dụng ở Việt Nam, có trình độ tương đương các nước phát triển về y học hạt nhân, xạ trị trong khu vực.