Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học không chỉ ngăn tình trạng kháng thuốc của sâu bệnh hại mà quan trọng là giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra nông sản an toàn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học đã tăng nhanh trong những năm qua.

Nếu như năm 2000 chỉ có 2 sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học được lưu hành thì năm 2005, con số này đã lên tới 57. Đến tháng 6/2007, đã có 193 sản phẩm được cấp giấy phép. Dưới đây là một số loại thuốc BVTV sinh học phổ biến:

Chế phẩm từ thảo mộc

Các sản phẩm thuốc trừ sâu chế biến từ cây neem (Azadirachta indica A. Juss, Việt Nam gọi là cây xoan chịu hạn) hiện đã được ứng dụng rộng rãi; trong đó có sản phẩm Vineem 1500 EC của Công ty thuốc sát trùng Miền Nam, được chiết xuất từ nhân hạt neem chứa hoạt chất azadirachtin. Thuốc có hiệu lực phòng trừ nhiều loại sâu hại trên lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn trái, hoa, cây cảnh bằng cách gây chán ăn, xua đuổi, ngăn cản sự lột xác và đẻ trứng, làm giảm khả năng sinh sản. Thuốc không tạo nên tính kháng của dịch hại, không ảnh hưởng đến thiên địch và không để lại dư lượng trên cây trồng.

Các sản phẩm thương mại tương tự từ cây neem có Neemaza, Neemcide 3000 SP, Neem Cake...

Một loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học hiện có trên thị trường. Ảnh: Lê Loan

Chế phẩm từ vi khuẩn

Thuốc BT (Bacciluss Thuringiensis var.) thuộc nhóm thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc vi khuẩn, phổ diệt sâu rộng và hữu hiệu đối với sâu cuốn lá, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, sâu ăn tạp... Sâu ăn phải thuốc này sẽ ngừng ăn sau vài giờ và chết sau 1-3 ngày. Ở Việt Nam, chế phẩm BT đã được nghiên cứu từ năm 1971.

Có thể kể đến một số thuốc BVTV từ vi khuẩn đang có trên thị trường như Vi-BT 32000WP, 16000WP; BT Xentary 35WDG, Firibiotox P dạng bột; Firibiotox C dạng dịch cô đặc... Các sản phẩm này có tác dụng tốt trên một số sâu hại chính trên đồng ruộng như sâu xanh bướm trắng, sâu xám, sâu tơ, sâu hại bông, sâu đo.

Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ cũng đã nghiên cứu sản xuất 2 chế phẩm trừ sâu có nguồn gốc vi khuẩn là Biobac và Biosar. Chế phẩm Biobac được sản xuất từ một chủng vi khuẩn có sẵn ở địa phương, có khả năng tiêu diệt và ức chế sự phát triển của sợi nấm gây bệnh đốm vằn trên lúa. Còn chế phẩm Biosar được chiết xuất từ một số loài thực vật có khả năng kích thích tính kháng bệnh cháy lá lúa (đạo ôn) do nấm pyricularia. Hiện các sản phẩm này chưa được thương mại hóa.

Chế phẩm từ nấm

Các sản phẩm này chứa hoạt chất abamectin và emamectin benzoate, diệt trừ được sâu vẽ bùa, nhện, sâu tơ, sâu xanh, bọ trĩ, bọ phấn. Đây là nhóm thuốc có tác dụng diệt sâu nhanh, phân hủy nhanh và ít độc với con người, môi trường. Có thể kể đến một số sản phẩm thông dụng như Binhtox 1.8EC, Abasuper3.6EC, Sertin 5.0EC, Sisau 4.5EC và Agun 5WDG, Golnitor 50WDG, Emaben 2.0EC, Susuper 1.9EC...

Ngoài ra còn có các thuốc chứa hoạt chất validamycin A, được chiết xuất từ nấm men streptomyces. Đây là nhóm thuốc trừ bệnh có nguồn gốc kháng sinh đặc trị các bệnh khô vằn trên lúa, bệnh nấm hồng trên caosu, bệnh chết rạp cây con trên cà chua, khoai tây, thuốc lá, bông vải... Một số sản phẩm trong nhóm này: Vivadamy, Vanicide, Vali, Tung vali 5SC, Vida 3SC, Validan 5DD, Stepguard 50SP và Poner 40SP trừ bệnh thối nhũn.

Chế phẩm từ virus

Tiêu biểu nhất là nhóm sản phẩm chiết xuất từ NPV - loại virus có tính rất chuyên biệt, chỉ lây nhiễm và tiêu diệt sâu xanh da láng, rất hiệu quả trên một số cây trồng như bông, đậu đỗ, ngô, hành, nho...

Chế phẩm từ tuyến trùng

Tuyến trùng EPN của nhóm tuyến trùng ký sinh và gây bệnh cho côn trùng được coi là tác nhân có nhiều triển vọng bởi khả năng diệt sâu nhanh, phổ diệt sâu rộng, an toàn cho người, động vật và không gây kháng thuốc ở sâu hại. Các sản phẩm của nhóm này gồm Biostar-1 đến Biostar-6, trong đó Biostar-3 và Biostar-5 đã được sản xuất hàng trăm lít để thử nghiệm rộng rãi trên đồng ruộng.

Chế phẩm từ pheromone và hoRmone - pheromone

Đây là nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng dẫn dụ giới tính, có đặc điểm chuyên tính cao với từng loại sâu hại nên rất an toàn với cây trồng, sinh vật có ích và môi trường. Ở Việt Nam, việc ứng dụng pheromone đang được tập trung trừ một số côn trùng hại rau ăn lá như sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang... và côn trùng hại cây ăn quả như ruồi đục quả, sâu đục vỏ cam quýt... Các thuốc hiện có là Sofri Protein 10DD, Entro-Pro 150DD...

Theo khuyến cáo của chuyên gia, các thuốc BVTV nguồn gốc sinh học thường không thể phun chung với thuốc hóa học. Thuốc cần được bảo quản tốt, không để quá lâu (hạn sử dụng dài, tác dụng càng cao). Vì vậy, khi mua và sử dụng các loại thuốc này, cần đọc kỹ nhãn mác và tuân thủ hướng dẫn in trên bao bì.