Công nghệ sản xuất củ giống khoai tây, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống và sản xuất rau an toàn... là hai trong số những đề tài nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đề tài “Hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây chế biến bắt nguồn từ công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với công nghệ khí canh”, thuộc chương trình KC.04.DA04/11-15 do Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Nguyễn Quang Thạch - Viện Sinh học nông nghiệp - làm chủ nhiệm. Dự án nhằm hoàn thiện quy trình, có thể sản xuất chủ động củ giống khoai tây chế biến ở quy mô công nghiệp, từ nuôi cấy mô đến đồng ruộng, hình thành được hệ thống sản xuất củ giống khoai tây cho công nghiệp chế biến tại Việt Nam.

Kết quả dự án được đánh giá là có tác động rõ rệt đến kinh tế - xã hội và môi trường. Nhóm thực hiện đã đề xuất quy trình sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, chủ động ở quy mô công nghiệp cho toàn bộ các vùng trồng khoai tây ở miền Bắc, giá sản phẩm chỉ bằng 1/3 giá nhập khẩu.

Cụ thể, đề tài cung cấp 9,8 vạn cây giống gốc phục vụ sản xuất củ siêu nguyên chủng, 1 triệu củ mini sạch bệnh để sản xuất củ giống nguyên chủng, 90 tấn củ giống nguyên chủng dành cho sản xuất củ giống cấp xác nhận, 200 tấn củ giống xác nhận (được nhân từ giống nguyên chủng, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định).

Mô hình trồng cà chua công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Châu Long

Điểm nổi bật của dự án là áp dụng quy trình nhân giống cây và sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh. Hiện công nghệ khí canh của Viện Sinh học nông nghiệp đã được chuyển giao thành công cho các đơn vị như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nam Định; Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai; Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình, Bộ KH&CN Indonesia.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía bắc” do TS Đoàn Xuân Cảnh (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) chủ nhiệm, thực hiện trong giai đoạn 2012-2016.

Nhóm thực hiện đã điều tra tình hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại một số doanh nghiệp ở Mộc Châu, Hải Phòng, Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Kết quả, họ xác định được một số yếu tố công nghệ cao sản xuất rau, quả ở Việt Nam như: Công nghệ cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cải tiến, tự động hoặc bán tự động; công nghệ sinh học chọn giống cây trồng (cây dưa chuột, cà chua, dưa thơm) là giống lai thích hợp trồng trong điều kiện nhà lưới ứng dụng công nghệ cao nhập ngoại; công nghệ trồng cây trên giá thể không đất với hỗn hợp giá thể thông dụng (bột xơ dừa, vỏ lạc, bã men bia...); công nghệ quản lý cây trồng ứng dụng luân canh cây trồng trong nhà lưới phù hợp, giảm thiểu sâu, bệnh hại...

Đề tài cũng nghiên cứu tuyển chọn bộ giống rau: Cà chua, dưa chuột, dưa thơm thích hợp trồng trong nhà lưới ở các tỉnh phía bắc; xây dựng tiêu chí, yêu cầu cơ bản cho một giống cà chua, dưa chuột, dưa thơm trồng trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao cho các tỉnh phía bắc; xây dựng thành công 3 quy trình công nghệ được công nhận là tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất cà chua, dưa chuột và dưa thơm, 6 mô hình sản xuất ứng dụng quy trình kỹ thuật cho mỗi loại cây rau trên tại 3 điểm Hải Phòng, Hải Dương và Lạng Sơn.

Đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống và sản xuất rau an toàn tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội)” thuộc chương trình KH&CN cấp nhà nước do TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - làm chủ nhiệm.

Nhóm thực hiện đã khảo sát bổ sung điều kiện tự nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ rau tươi, địa điểm lắp đặt và thiết kế các hạng mục nhà xưởng, nhà lưới tại xã Thụy Hương. Họ đã xây dựng 1 nhà lưới sử dụng cho nhân giống rau diện tích 720m2, tương đương 200.000 cây giống các chủng loại rau mỗi năm; cung cấp đủ cây giống cải bắp, cà chua, súplơ, su hào, bí xanh cho sản xuất vụ đông 2015; 1 nhà lưới đơn giản quy mô 5.000m2.

Nhóm cũng đã chuyển giao 5 quy trình công nghệ sản xuất rau an toàn (cải ăn lá, bí xanh, mồng tơi, rau muống, măng tây); xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 5ha tại Thụy Hương và Công ty Thiên Trường, hiệu quả kinh tế tăng 20% so với trồng đại trà.

Đề tài “Xây dựng mô hình nhân giống nuôi cấy mô và sản xuất hoa lan đai châu và địa lan tại huyện Văn Giang - tỉnh HưngYên” do thạc sỹ Mai Thị Ngoan thuộc Viện Nghiên cứu rau quả làm chủ nhiệm.

Đề tài đã cung cấp và hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, máy móc xây dựng 120m2 phòng nuôi cấy mô đang hoạt động; hỗ trợ 3.300 cây giống (lan đai châu và địa lan) để làm cây mẹ nhân giống nuôi cấy mô; đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật nhân giống nuôi cấy mô, trồng, chăm sóc, điều khiển nở hoa, xử lý sau thu hoạch, đóng gói cho lan đai châu và địa lan cho 2 cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã hoa - cây cảnh xã Xuân Quan (huyện Văn Giang); tập huấn cho 80 người bao gồm cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã và nông dân trong xã. Quy trình công nghệ nhân giống hoa lan đai châu và địa lan bằng nuôi cấy mô đã và đang được chuyển giao để áp dụng cho tỉnh Hưng Yên.

Đề tài “Tạo giống cà chua kháng bệnh virus xoăn vàng lá và héo xanh vi khuẩn” do TS Đặng Thị Vân - Viện Nghiên cứu rau quả - làm chủ nhiệm đã chọn được 35 dòng thuần cà chua kháng virus xoăn vàng lá, được sử dụng trực tiếp cho lai thử nhằm tạo giống F1; chọn lọc 19 dòng cà chua kháng vi khuẩn héo xanh, được sử dụng trực tiếp cho lai thử nhằm tạo giống F1.

Đề tài cũng đã xác định 2 tổ hợp lai F1 triển vọng kháng 2 bệnh trên, đã thử nghiệm tại huyện Mai Sơn (Sơn La) và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định); phát triển được 2 marker liên kết gene kháng Ty-2 và 2 marker liên kết tính kháng vi khuẩn héo xanh ở khoảng cách 3cm, xác định được hai tổ hợp lai có triển vọng đạt năng suất >50 tấn/ha.

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ phục hồi và phát triển cam sành Hà Giang theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững”, do thạc sỹ Phạm Văn Toán - Viện Nghiên cứu rau quả - làm chủ nhiệm đã tạo ra giải pháp công nghệ đồng bộ phục hồi và phát triển sản xuất cam, gồm: Phục tráng giống, nhân giống sạch bệnh, canh tác tiên tiến, chống tái nhiễm bệnh, bảo quản sản phẩm.

Đề tài cũng phát triển thành công mô hình tại 3 vùng trọng điểm sản xuất cam sành là Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên gồm: 9ha thâm canh cam, 15.000 cây cam sạch bệnh, 30 tấn cam quả được bảo quản; tập huấn kỹ thuật cho 10 cán bộ kỹ thuật và 100 hộ nông dân.