Ở Việt Nam, khảo cổ học dưới nước còn quá mới, nhưng cũng có những phát hiện, khai quật đáng được trân trọng.

Những phát hiện ngẫu nhiên như các thợ lặn nghiệp dư đã tìm thấy trong lòng sông Sài Gòn rìu đá, nồi đồng, tiền đồng, hũ gốm, đèn gốm, ống điếu, thanh gươm, đại bác, thuyền độc mộc… Trong lòng sông Đồng Nai, đoạn từ Tân Uyên xuống Cù Lao Rùa, do quá trình khai thác cát ở đây, các thợ lăn nghiệp dư đã tìm được những hiện vật như rìu đá, rìu đồng, nồi đồng, mão đồng và rất nhiều đồ đất nung, đồ sành, đồ sứ đặc biệt tìm được tượng Vishnu đá, Yoni đá, tìm được thuyền cổ dùng dây cột ghép ván ở Phú Quốc (Kiên Giang)… thuộc văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Tượng thần Vishnu tìm thấy ở lòng sông Đồng Nai. Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai

Khu vực Đông Nam Á, trong đó có văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, nằm trên con đường tơ lụa trên biển (Sea Silk Road), con đường giao lưu kinh tế thương mại và văn hóa giữa châu Á, châu Âu và vùng Trung Đông, buôn bán trao đổi gốm, tơ lụa, ngà voi, sừng tê, yến, trầm hương, hồ tiêu, vàng, đá quý, đồ thủy tinh…

Riêng trong khu vực, theo các nhà nghiên cứu thì tuyến đường phía Tây có thể từ Quảng Châu, men theo bờ biển Việt Nam vào vịnh Thái Lan vòng qua eo biển Kra (thuộc Thái Lan và Myanmar), sau đó vào thế kỷ V chuyển xuống eo biển Malacca (Malaysia) rồi xuống eo biển Sunda (Indonesia).


Riêng về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam – một vương quốc rất mạnh về kinh tế biển ở Đông Nam Á từ thế kỷ I đến thế kỷ VII – chúng ta chỉ mới nghiên cứu những hiện vật trên mặt đất, khai quật nghiên cứu những di tích và di vật dưới mặt nước, tìm được một cách ngẫu nhiên một vài tượng Hindu (Vishnu, Linga, Yoni), đồ gốm Óc Eo ở dưới sông Đồng Nai, sông Cổ Chiên…

Trong quá trình nghiên cứu văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, xuất hiện nhiều vấn đề rất cần có sự tham gia của khảo cổ học dưới nước như: Thuyền chiến và thuyền hàng hải của vương quốc Phù Nam; những di sản còn nằm dưới nước chưa phát hiện được; khai quật vùng sình lầy như ở Đìa Vàng, Đìa Phật ở Gò Tháp (Đồng Tháp)…

Việt Nam có hệ thống sông rạch chằng chịt và lãnh hải rộng lớn nên tiềm năng khảo cổ học dưới nước là rất lớn. Hy vọng trong tương lai gần, ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam sẽ phát triển, góp phần tích cực vào việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.