Với duy nhất một đại diện là giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, Việt Nam lần thứ sáu liên tiếp trở thành một trong số gần 60 quốc gia có nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới (highly cited researchers).

Đây là một trong những chỉ dấu cho thấy, dù không được làm việc ở điều kiện lý tưởng như các đồng nghiệp quốc tế thì nhà nghiên cứu Việt Nam ở một số ngành và lĩnh vực cũng có thể vươn lên “mặt tiền khoa học thế giới” như cách nói của giáo sư Phạm Duy Hiển.

PGS Nguyễn Xuân Hùng (giữa) trong buổi nhận giải thưởng của Quỹ Alexander von Humboldt tháng 3.2016 tại Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Clarivate Analytics, công ty quản lý và điều hành những cơ sở dữ liệu khoa học, dịch vụ phân tích học thuật, sở hữu trí tuệ…, hằng năm lựa chọn ra những nhà khoa học ở đẳng cấp thế giới thông qua hiệu suất công bố và những công bố được nhiều trích dẫn và xuất bản trên các tạp chí của Web of Science. Năm 2019, danh sách này bao gồm 6.216 nhà khoa học của gần 60 quốc gia thuộc 21 chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, trong đó hơn một phần ba là các nhà nghiên cứu xuyên ngành. Đây là năm thứ hai, các nhà nghiên cứu với tác động xuyên ngành, những người có những công trình liên quan đến nhiều lĩnh vực, được vinh danh.

Mặc dù có nhiều phương pháp khác nhau và nhiều quan điểm khác nhau để đánh giá hiệu suất nghiên cứu, tầm ảnh hưởng của nhà khoa học thì việc đánh giá dựa trên trích dẫn, nói cách khác là dựa vào chính cộng đồng các nhà nghiên cứu, là một trong những cách khá khách quan hiện nay. David Pendlebury, nhà phân tích chỉ số trích dẫn tại Viện Thông tin khoa học của Clarivate Analytics cho rằng: “Danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (HCRs) góp phần nhận diện những người xuất sắc trong cộng đồng nghiên cứu đã đóng góp nhiều vào việc mở rộng các biên giới hiểu biết của con người. Họ đã tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khiến thế giới trở nên mạnh khỏe hơn, bền vững hơn và an toàn hơn. Việc ghi nhận và ủng hộ họ sẽ đóng một vai trò quan trọng với với kế hoạch cho sự hiệu quả và gia tăng tiến bộ của một viện nghiên cứu hay một quốc gia”.

Tái hiện bản đồ khoa học thế giới

Thông thường, việc đánh giá các cường quốc khoa học thường dựa trên số lượng công bố, số lượng các bằng phát minh sáng chế, ngân sách đầu tư cho khoa học… Và kết quả thông thường là những quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… luôn ở thế dẫn đầu. Thật bất ngờ là từ danh sách các nhà khoa học HCRs cũng đem lại một kết quả tương tự: các nhà khoa học Mỹ chiếm ưu thế còn các nhà khoa học Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai, bám sát là Anh.

Tuy nhiên có một điểm thật khác biệt: nếu so từ số lượng công bố quốc tế một vài năm gần đây thì khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ không đáng kể nhưng theo số lượng các nhà khoa học HCRs của Clarivate Analytics, Mỹ đứng ở vị trí vượt trội với 2.737 người, chiếm 44% danh sách. Trong khi đó, dù có sự thăng tiến so với những năm trước thì với 636 người (năm 2018 là 482 người), Trung Quốc chỉ chiếm 10,2% danh sách. Mỹ cũng là nơi có trường đại học dẫn đầu về số lượng các nhà khoa học HCRs với trường Đại học Harvard 203 nhà nghiên cứu và cũng có vùng đất quy tụ nhiều nhân tài bậc nhất thế giới với bang California, nơi đặt trụ sở của các trường Đại học Stanford (103), trường Đại học California ở Berkeley, ở San Diego và ở Los Angeles (mỗi nơi hơn 50).

Vì số lượng các nhà khoa học HCRs của Trung Quốc gia tăng nên suy giảm các nhà khoa học HCRs ở nhiều quốc gia khác, ví dụ Anh giảm xuống 516 người (năm 2018 là 546). Số lượng ở Đức và Hà Lan cũng tương tự. Trong khi đó, Australia là quốc gia có tốc độ tăng trưởng các nhà khoa học HCRs nhanh nhất: trong vòng sáu năm, số lượng các nhà khoa học tăng ba lần, từ 80 người vào năm 2014 đến 271 người năm 2019, đồng thời có một số người lọt vào top các nhà khoa học liên ngành. Mặt khác, các viện nghiên cứu và trường đại học của Australia đã bắt đầu nhận thấy tác động của HCRs nên đã có chính sách theo đuổi các nhà nghiên cứu HCRs để tuyển dụng họ. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao số lượng HCRs của Australia lại tăng nhanh như vậy.

Năm nay, danh sách HCRs có 23 nhà khoa học được giải Nobel, trong đó có ba người mới được trao là Gregg L. Semenza của trường Đại học Johns Hopkins (giải Y sinh), John B. Goodenough của trường Đại học Công nghệ Texas tại Austin (giải Hóa học), và Esther Duflo của Viện Công nghệ Massachusetts (giải Kinh tế). Ngoài ra, với những dữ liệu của Web of Science, các chuyên gia Clarivate Analytics cũng định lượng được 57 gương mặt “xứng đáng với ‘đẳng cấp’ Nobel hoặc là ứng cử viên tiềm năng của giải Nobel”.

Đáng chú ý, có 185 nhà khoa học, tức là chiếm khoảng 5% tổng số, xuất hiện ở hai chuyên ngành và 11 nhà khoa học ở 3 chuyên ngành. Điều đó cho thấy, bên cạnh những nghiên cứu về những vấn đề chuyên môn sâu của chuyên ngành hẹp thì những nghiên cứu liên ngành vẫn đang phát triển và có thể nhằm giải quyết những bài toán phổ quát, tác động đến nhiều lĩnh vực. Xu hướng đó ngày một lan rộng trên thế giới: không còn khu trú ở một vài địa điểm, các nhà khoa học này đã xuất hiện ở khắp nơi trên toàn cầu – Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Nỗ lực đơn lẻ từ Việt Nam

Với một quốc gia mà trình độ và nguồn ngân sách đầu tư cho KH&CN còn ở mức khiêm tốn như Việt Nam, cơ hội có nhiều đại diện trong danh sách HCRs hằng năm không nhiều. Tuy nhiên, các nhà khoa học như giáo sư Phạm Duy Hiển, Đào Tiến Khoa… đều mong muốn những nhà khoa học trẻ có thể nắm bắt được những điều kiện ngày một tốt lên ở Việt Nam và tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế để bứt lên. Trong nhiều cuộc họp tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, giáo sư Phạm Duy Hiển đã nêu mong ước đến một ngày, Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học đạt tầm quốc tế, thường xuyên “hiện diện ở mặt tiền của khoa học thế giới với những công bố được đồng nghiệp trích dẫn”.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có một gương mặt là giáo sư Nguyễn Xuân Hùng (Trung tâm nghiên cứu liên ngành, trường Đại học Công nghệ TPHCM) có mặt trong danh sách này. Anh là một trường hợp đặc biệt, một người được giáo sư Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận định “Xuân Hùng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách trong nghiên cứu để có được như ngày hôm nay”. Làm việc tại Việt Nam, điều đó có nghĩa là anh không thể thực hiện các ý tưởng nghiên cứu trong điều kiện lý tưởng của các đồng nghiệp quốc tế, từ trang thiết bị, kinh phí đầu tư đến con người. Vậy anh “thoát” khỏi thế khó này bằng cách nào? Trên nền tảng hiểu biết sâu sắc về các môi trường chất lỏng, rắn và khí, anh tìm hiểu những ý tưởng nghiên cứu mới và triển khai nó thông qua hợp tác quốc tế. Với nguồn kinh phí phần lớn từ các quỹ nước ngoài, anh có điều kiện “va đập”, nắm bắt những hướng nghiên cứu mới của thế giới và từ đó tìm được những hướng đi riêng biệt. Các dự án anh thực hiện, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng đều liên quan đến những ‘từ khóa” như in 3D, cơ chế sinh học, cơ học tính toán, vật liệu nano tính toán, học sâu, học máy, phân tích đẳng hình học…

Phân tích về thế mạnh của giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, PGS. TS Lê Văn Cảnh (ĐHQG TPHCM) cho rằng, “có nhiều điểm cho thấy sự vượt trội của anh so với nhiều đồng nghiệp quốc tế khác, thứ nhất hướng nghiên cứu mà anh theo đuổi tương đồng với xu thế hiện nay của cộng đồng cơ học tính toán thế giới là liên quan đến nền tảng số và đưa ra các mô hình số có thể giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phức tạp của nhiều lĩnh vực; thứ hai khả năng đào sâu và mở rộng ý tưởng trong triển khai nghiên cứu kết hợp với tư duy mở nên có thể làm việc với nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới; thứ ba là duy trì bền bỉ ‘chiến lược’ phải có công bố trên các tạp chí hàng đầu chuyên ngành, không chấp nhận những tạp chí dễ dãi”.

Đến nay, giáo sư Nguyễn Xuân Hùng đã có 164 công bố, trong đó riêng 28/29 bài báo của năm 2019 trên các tạp chí Q1. Dù năm 2020 chưa bắt đầu thì European Journal of Mechanics-B/Fluids, một tạp chí về cơ học chất lỏng, đã chấp nhận đăng bài về dòng chảy Stockes không nén được trong không gian hai chiều của anh và cộng sự trong số đầu tiên của năm. “Dám đương đầu với bài toán Stockes, bài toán của các cuộn xoáy, chảy rối - một trong những vấn đề khó nhất của vật lý hiện đại, chứng tỏ sự bản lĩnh của nhà nghiên cứu. Hi vọng anh ấy sẽ còn tiến xa”, một nhà vật lý nhận xét.