Giải pháp này được trao giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ 10 (2016 - 2017). Tác giả là em Trần Hồng Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang).

Mô hình gồm 1 board xử lý Aarduino được đặt tại trung tâm xử lý, 1 cảm biến mưa đặt ở nơi tương đối cao để dễ nhận được tín hiệu, 2 cảm biến lưu lượng nước được gắn ở hệ thống cống, 1 bơm nước để bơm nước sang hồ điều tiết, 2 rờ-le (relay)...

Trường hợp có mưa lớn, hệ thống hoạt động khi cảm biến mưa có tín hiệu; đồng thời cảm biến lưu lượng số 1 đo được lượng và khối lượng nước tương đối lớn, có thể gây ngập thì board xử lý sẽ kích hoạt máy bơm khởi động để bơm nước từ hệ thống cống sang hồ điều tiết. Nếu trời mưa nhỏ, lưu lượng nước đo được ở mức thấp, không gây ngập thì hệ thống không hoạt động; nếu cảm biến lưu lượng có tín hiệu nhưng không có mưa thì hệ thống cũng không hoạt động.

Mô hình hệ thống chống ngập tự động
Mô hình hệ thống chống ngập tự động

Khi triều cường dâng cao, cảm biến lưu lượng số 2 sẽ đo lưu lượng, nếu khối lượng nước đủ lớn, có thể gây ngập thì board xử lý kích hoạt máy bơm khởi động để bơm nước sang hồ điều tiết.

Với chi phí hợp lý, tính khả thi khi áp dụng là rất cao, có thể phát triển thêm hệ thống điều khiển qua Internet để kiểm soát toàn bộ hệ thống tại một trung tâm điều khiển, mô hình này có thể áp dụng hiệu quả cho các thành phố lớn. Khi đó, cần xây dựng một số hồ điều tiết vệ tinh xung quanh nhằm tích nước vào mùa mưa; đồng thời có thể tái sử dụng phục vụ sinh hoạt hoặc cấp nước cho khu vực ngoại thành trong mùa khô hạn, nhất là khi nước sông bị nhiễm mặn.