Nếu trong một số không gian chính trị khác, khi đối tượng cuốn sách nói đến vẫn còn ngồi đó trên chiếc ghế tổng thống hay lãnh đạo quốc gia (và tổng thống, lãnh đạo thì vẫn được hiểu là người thét ra lửa), thì chắc chắn, loại sách như Bão lửa và cuồng nộ - Nội tình Nhà Trắng thời Trump “không có cửa” ra đời.

Nhưng cuốn sách này đã được ra đời, trên nước Mỹ, tạo ra cơn bão truyền thông hướng thẳng vào Nhà Trắng và điểm mặt gọi tên những con người, lật tẩy từng trò rởm của những kẻ nắm quyền lực vô dụng nhưng lắm mưu mẹo trong đó; nhằm chính xác vào Tổng thống Donald Trump trong năm đầu của nhiệm kỳ.

Đặt cuốn sách này trong bối cảnh hố ngăn cách giữa báo chí Mỹ với Nhà Trắng ngày càng được chính ông Tổng thống chăm chỉ đào sâu bằng những phản ứng gay gắt, thì đây có thể coi như một hệ quả xứng đáng mà ông phải nhận lãnh - “là một cuốn sách hoàn toàn xứng đáng cho Tổng thống” - như The New Yorker nhận định. Không phải là một trò trả đũa, nhưng là một hướng cắt nghĩa đầy lợi hại, giúp người đọc hiểu vì lý do gì, với hoàn cảnh nào, mà báo chí phản biện - cơ chế giám sát quyền lực - đã bị ông Trump đẩy về bên kia chiến tuyến, coi là kẻ thù đến vậy.

Hàng trăm cuộc phỏng vấn để thu thập tài liệu, chứng cứ, cùng những quan sát sắc bén và cách thuật chuyện tự nhiên, hài hước đã làm bật lên chân dung lạ lùng của ông tổng thống nước Mỹ bị đặt vào một không gian chính trị căng thẳng của Nhà Trắng, nơi các phe phái đang ngấm ngầm tấn công nhau.


Lịch sử báo chí chính trị Mỹ đang trong một thời kỳ khá thú vị: chưa bao giờ báo chí phản biện lại bị thù ghét đến như vậy nhưng cũng chưa bao giờ báo chí tô hồng lại được cưng chiều như vậy. Tác giả Michael Wolff trong vai “một con ruồi trên tường” ở Cánh Tây Nhà Trắng, đã chỉ ra nguyên do sâu xa: tổng thống chẳng khác gì một đứa bé chín tuổi, thích được người khác ngợi ca và xu nịnh. Là người của công chúng, nắm quyền lực trong tay, là một người giàu có đến mức sẵn sàng bước vào trò đùa với chiếc ghế tổng thống, nhưng dưới ngòi bút độc lập của Michael Wolff thì giá trị của con người của ông Trump trở về đúng chỗ đúng nơi cần thiết.

Tờ The Guardian có lý khi đưa ra nhận định: “Điều làm cho quyển sách này đáng chú ý đến vậy là bức chân dung châm biếm và vui nhộn về một người đàn ông rỗng tuếch, hút vào trong lỗ đen của cái tôi nghèo nàn và tham lam của mình cả thế giới…”

Chân dung Donald Trump trong cuốn sách này hài hước và phi lý một cách tận cùng. Phía sau đó, Michael Wolff đưa thứ móng vuốt sắc bén của mình để đối thoại với loại báo chí thỏa hiệp, nuông chiều, lệ thuộc quyền lực. Một thái độ không khoan nhượng, theo đó là sự kiêu hãnh của kẻ khước từ “ân sủng” chính trị để được làm báo đúng nghĩa.

Một điều nữa, trong không gian báo chí Mỹ, tổng thống được xếp vào nhóm đối tượng “nhân vật của công chúng” (public figure) chứ không theo tư duy quen thuộc - lãnh đạo là một “vùng cấm bất khả xâm phạm” và viết về “lãnh đạo” nghĩa là đối diện với những lằn ranh máu không thể vượt qua. Ở trong cuốn sách này, chúng ta nhận ra, những gì thuộc về giá trị con người nơi nhân vật của công chúng, báo chí có quyền bình phẩm, phê bình với một nền tảng lập luận, dữ liệu hợp lý, thuyết phục để không bị khép vào tội bôi nhọ cá nhân. Và trước áp lực đó, nhân vật của công chúng (chính trị gia) phải điều chỉnh bản thân chứ không dùng quyền lực để bịt miệng dư luận.

Người đọc có thể hài lòng hay không với phương pháp tiếp cận và thể hiện “hài hước đen” của Michael Wolff, nhưng ở phương diện tự do ngôn luận, đây là một tác phẩm chứng minh cho sức sống và ý nghĩa muôn thuở của báo chí trong đời sống chính trị hiện đại.

Cuốn sách nhắc nhớ về thứ nền tảng quyền lực cơ bản của báo chí đi cùng trách nhiệm mà xã hội trông chờ: giám sát quyền lực, chỉ ra những khiếm khuyết, phi lý để bộ máy chính trị không được phép rơi vào nguy cơ “bất bình thường, điên rồ và ngu xuẩn” bất tận.

Michael Wolff là cây bút xã luận có nhiều tác phẩm gây tiếng vang và từng nhận nhiều giải thưởng báo chí danh giá tại Mỹ. Những bình luận chính trị của ông thường xuất hiện trên các báo, tạp chí: Vanity Fair, New York, The Hollywood Reporter, GQ, USA Today và The Guardian.