Tháng 3 năm nay, người khổng lồ IBM đã cho ra đời “cỗ máy tính nhỏ nhất thế giới” với kích thước bé hơn cả một hạt muối thô. Nhưng giới khoa học đã không để hãng công nghệ này tự hào được lâu.


Máy tính nhỏ nhất thế giới từng được IBM công bố (ảnh qua techcrunch)

Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Michigan, Mỹ đã tạo ra một “máy tính” cảm biến nhiệt có thể tích 0,04 m3, bằng 1/10 kích thước của người tiền nhiệm “to lớn” cỡ 1mm x 1mm thuộc biên chế IBM. Nó rất nhỏ, nhỏ đến mức khi đứng cạnh nó, một hạt gạo cũng trở nên khổng lồ – nó rất nhạy, nhạy đến mức có thể tiếp nhận ánh sáng để chuyển hóa thành điện năng. Cỗ máy có một bộ vi xử lý, bộ nhớ hệ thống, và các bộ thu phát không dây có thể nhận và gửi thông tin qua ánh sáng.


Khi đứng cạnh chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới này, một hạt gạo cũng trở nên khổng lồ (ảnh: ĐH Michigan)

Các hạn chế về kích thước buộc các nhà nghiên cứu phải nghĩ ra những phương pháp mới trong thiết kế mạch điện để làm giảm tác động của ánh sáng. Họ chuyển từ đi-ốt sang tụ điện và phải xử lý sự tăng nhiễu điện do việc chạy một thiết bị sử dụng quá ít năng lượng.

Kết quả của công trình nghiên cứu là một cảm biến đủ nhạy để có thể bắt được các thay đổi về nhiệt độ (với sai số 0,1 độ C) trong một khu vực cực kỳ nhỏ, ví như một nhóm các tế bào trong cơ thể bạn. Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ rằng các khối u nóng hơn một chút so với các mô khỏe mạnh, nhưng cho tới nay vẫn chưa thể chứng thực được điều này. Thiết bị tí hon này có thể kiểm tra giả thuyết trên, và nếu điều đó được xác minh là đúng, nó sẽ đánh giá luôn mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng cỗ máy còn có thể giúp chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp, giám sát các quá trình sinh hóa và thậm chí là nghiên cứu những con ốc sên tí hon.

Vậy tại sao lại gọi thiết bị này là một chiếc máy tính? Kích thước tí hon của nó khiến trường đại học Michigan phải đặt lại câu hỏi máy tính là gì? Nó có một bộ vi xử lý đầy đủ chức năng (dựa trên thiết kế của vi xử lý ARM Cortex-M0+), nhưng nó mất toàn bộ dữ liệu khi mất nguồn cấp năng lượng, cũng giống như thiết bị của IBM. Điều này có thể khiến những người khắt khe không chấp nhận nó là một chiếc máy tính.

Tuy nhiên, sự ra đời củachiếc “máy tính nhỏ nhất thế giới” này chắc chắn đã tạo ra những giới hạn mới cho các thiết bị tính toán và gợi mở ra ý tưởng những máy tính gần như không thể nhìn thấy được có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai không xa.

Theo Engadget/Digital Trends