Tác động co kéo giữa mặt trời và mặt trăng có thể kích hoạt một dạng địa chấn độc nhất vô nhị tại đứt gãy San Andreas, trải dài khoảng 1.300 km trong địa phận tiểu bang California, Mỹ.

Hiện tượng bất thường trên đã mê hoặc giới khoa học gia trong nhiều năm qua, kể từ khi lần đầu tiên được phát hiện cách đây 10 năm.

Bề mặt Trái Đất như thủy triều

Cũng giống như mực nước biển, bề mặt trái đất cũng lên xuống theo thủy triều, uốn cong lớp vỏ địa cầu và gây sức ép lên các đứt gãy bên dưới. Một cuộc nghiên cứu đã phát hiện trong những giai đoạn cụ thể của chu kỳ thủy triều, nhiều khả năng sẽ kích hoạt những cơn địa chấn nhỏ nằm sâu trong lòng đất, còn gọi là động đất tần số thấp. Để được xếp vào dạng động đất tần số thấp, chúng phải có cường độ nhỏ hơn 1.0 độ Richter và diễn ra ở độ sâu từ 15 - 30 km trong lòng đất, gần phần sâu nhất của vỏ địa cầu khi nó chuyển tiếp sang lớp manti.

Trưởng nhóm Nicholas van der Elst của Tổ chức Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thừa nhận quả thật vô cùng bất ngờ khi biết được mặt trăng, trong khi tác động một lực kéo về cùng hướng với đứt gãy đang trượt, sẽ càng làm tình hình tồi tệ hơn.
Tình trạng dồn đất dọc theo đứt gãy San Andreas ở bang California
Tình trạng dồn đất dọc theo đứt gãy San Andreas ở bang California

Theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, từ cuộc nghiên cứu này, các chuyên gia đã xác định được đứt gãy San Andreas vô cùng yếu ớt. Trong cuộc nghiên cứu gần đây nhất, ông Van der Elst và đồng sự đã phân tích khoảng 81.000 trận động đất tần số thấp trong giai đoạn 2008 - 2015 dọc theo một đoạn của đứt gãy, và so sánh dữ liệu thu được với chu kỳ thủy triều diễn ra 2 tuần/lần. Họ phát hiện những đợt rung chuyển đó thường diễn ra trong giai đoạn thủy triều tăng mạnh.

Giúp cảnh báo sớm

Giống như thủy triều trên biển, lực hút trên bộ diễn ra mạnh nhất khi mặt trời và mặt trăng sắp thẳng hàng, và yếu nhất khi hai thiên thể này nằm ở góc 90 độ. Và cũng cùng những lực hấp dẫn đó đã kéo giãn và gây sức ép lên vỏ trái đất (dù các chuyển động của đất đá ít được thể hiện so với nước biển). Một số đứt gãy dễ bị ảnh hưởng bởi thủy triều hơn các đứt gãy khác, và San Andreas là một ví dụ điển hình.

Việc nghiên cứu cách thức các động đất tần số thấp phản ứng trước thủy triều có thể tiết lộ những thông tin mới về San Andreas, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu những cơn địa chấn mạnh hơn diễn ra. Dữ liệu thu được cho phép các chuyên gia nhìn thấu được những phần nằm sâu trong lòng đứt gãy, ở độ sâu đến 32 km trong lòng đất, điều mà trước đây là bất khả thi.

Thông tin thu được từ các động đất tần số thấp đặc biệt hữu dụng trong việc cảnh báo sớm nguy cơ diễn ra động đất ở phần đất gần lớp vỏ hơn, từ đó giúp các nhà khoa học Mỹ có những phản ứng thích hợp để bảo vệ nhân mạng và giảm tối thiểu tổn thất về tài sản.