Mặt Trăng có thể là sản phẩm của 20 mặt trăng khác nhỏ hơn sáp nhập với nhau sau khi các tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất thuở sơ khai.

mat-trang-co-the-hinh-thanh-tu-20-tieu-ve-tinh-cua-trai-dat

Mặt Trăng chúng ta thấy ngày nay có thể hình thành do nhiều mặt trăng nhỏ hơn va chạm với nhau. Ảnh: Telegraph.

Mặt Trăng chúng ta thấy ngày nay không phải là vệ tinh đầu tiên của Trái Đất, mà nhiều khả năng là sản phẩm cuối cùng sau khi nhiều tiểu vệ tinh nhỏ hơn va chạm và sáp nhập với nhau, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 9/1.

Sự hình thành của Mặt Trăng là câu đố đến nay chưa có lời giải đáp. Giả thuyết lớn nhất được đưa ra vào những năm 1970 gọi là Vụ va chạm Lớn (Giant Impact), theo Telegraph. Giả thuyết Vụ va chạm Lớn cho rằng, hành tinh Theia có kích thước tương tự sao Hỏa đâm vào Trái Đất cách đây 4,31 tỷ năm tạo ra đám mây khổng lồ chứa vô số mảnh vỡ trong không gian. Sau đó, các mảnh vỡ kết hợp lại với nhau để hình thành Mặt Trăng.

Nhưng có nhiều vấn đề xung quanh giả thuyết trên. Sau khi phân tích đá Mặt Trăng được mang về bởi phi hành gia, các nhà khoa học phát hiện đá Mặt Trăng có cấu tạo hóa học gần giống hệt với đá trên Trái Đất. Nói cách khác, không có dấu vết của hành tinh lớn Theia va chạm với Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Israel đưa ra giả thuyết mới sau khi chạy 800 mô phỏng các vụ va chạm với Trái Đất trên máy tính. Họ nhận thấy nếu Trái Đất bị bắn phá bởi nhiều tiểu hành tinh có kích thước nhỏ hơn Theia, khoảng 20 mặt trăng nhỏ sẽ hình thành từ những mảnh vỡ của Trái Đất và sáp nhập theo thời gian. Ngoài ra, nhiều vụ va chạm nhỏ tốc độ cao sẽ làm bật ra nhiều vật chất của Trái Đất hơn một vụ va chạm lớn.

"Theo mô hình của của chúng tôi, Trái Đất cổ xưa từng có nhiều mặt trăng. Mỗi mặt trăng hình thành từ một vụ va chạm khác nhau giữa tiểu hành tinh với Trái Đất", Hagai Perets, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.