Mặt nạ định vị đầu bệnh nhân u não do nhóm nghiên cứu có PGS.TS.Huỳnh Đại Phú đứng đầu sáng chế có nhiều ưu điểm như thời gian tạo hình nhanh, chính xác, có thể tiệt trùng, giá rẻ...

Giúp bệnh nhân ung thư giảm chi phí điều trị

Tại Việt Nam, chưa có số liệu chính thức chẩn đoán khối u não và tỉ lệ người mắc bệnh u não mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng Bệnh viện Việt Đức mỗi năm nhận khám và điều trị 2.500 người bệnh u não. Ở trẻ em, u não là nguyên nhân tử vong cao nhất trong số các ung thư trẻ em. U não chiếm 1/4 số bệnh nhân do ung thư dưới 19 tuổi. U não cũng là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trong số các bệnh ung thư ở lứa tuổi từ 20 -39. U não di căn chiếm 30-50% các loại u não và đây cũng là loại u não hay gặp nhất.

U não có thể điều trị được bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc phải kết hợp nhiều phương pháp nếu phát hiện kịp thời.

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng chùm tia bức xạ có năng lượng cao chiếu tập trung vào tế bào ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm dừng quá trình phân chia của tế bào ung thư.

Theo các nhà chuyên môn, khi bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ, bệnh nhân phải nằm cố định một tư thế, không được thay đổi vị trí, dù nhỏ. Tư thế này phải đúng ngay khi nằm từ bàn mô phỏng đến bàn xạ trị đều phải chính xác đúng y như vậy. Do vùng đầu cổ hay thay đổi (nghiên qua trái, qua phải, gật xuống, ngước lên….) nên bắt buộc phải dùng mặt nạ để bệnh nhân được cố định, bất động bệnh nhân ở một tư thế chuẩn nhất.

Mặt nạ xạ trị được làm từ một tấm vật liệu chuyên biệt như một tấm lưới màu sáng (trắng, vàng chanh,….), có giá rất mắc, hơn 2 triệu đồng, tùy theo thương hiệu và nhà sản xuất. Tấm lưới này sẽ được nhúng xuống nước nóng, làm mềm, rồi vớt lên để tạo mặt cho bệnh nhân. Đặc biệt, mỗi bệnh nhân được tạo một mặt nạ riêng biệt để sử dụng cho suốt quá trình xạ trị và hoàn toàn không sử dụng lại cho bất cứ bệnh nhân nào khác.

mat_na_2

Tại Việt Nam, do điều kiện kinh tế còn hạn chế nên có nơiđã tái sử dụng mặt nạ trong quá trình xạ trị và dùng nhiều lần, trên nhiều bệnh nhân. Việc này rất khó để đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật trong xạ trị. Bên cạnh đó, mặt nạ chỉ được nhúng xuống bồn nước nóng khoảng 60 -700 C cũng không thể diệt hết được các loại vi khuẩn, vi trùng của bệnh nhân đã xạ trị trước đó. Do đó, nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm cho qua bệnh nhân sau là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Polymer, khoa công nghệ vật liệu, Trường đại học bách khoa TP.HCM, do PGS.TS.Huỳnh Đại Phú chủ trì đã nghiên cứu chế tạo thành công mặt mạ định vị trong xạ trị ung thư, chi phí rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường trong nước.

Mong muốn thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu

KS.Trần Hữu Như, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sản phẩm này do Việt Nam chế tạo hoàn toàn nên giá thành rất rẻ, tuy nhiên, chất lượng của nó không thua gì sản phẩm nước ngoài. Việc sử dụng cũng rất đơn giản.

Sản phẩm bao gồm tấm nhựa có khung cố định bên ngoài. Tấm nhựa có nhiệm vụ định vị chính xác đầu bệnh nhân trên máy xạ trị, khung bên ngoài được gắn chặt vào máy bằng vít. Vì vậy, khi điều trị, vị trí bệnh nhân không thay đổi, đảm bảo kỹ thuật.

Khi sử dụng, tấm nhựa được nhúng vào nước có nhiệt độ 650C trong vòng 4 phút, sau khi nhựa mềm, đưa vào mặt bệnh nhân để nhựa sao chép chính xác khuôn mặt (nhờ vậy mới định vị chính xác vị trí trên máy xạ trị). Sau 5 phút, mặt nạ cứng lại. Khi điều trị, tấm nhựa được đặt vào mặt bệnh nhân, khung bên ngoài cố định vào máy, nhờ vậy vị trí của bệnh nhân luôn chính xác, cố định qua nhiều lần điều trị.

mat_na_3

KS.Trần Hữu Như cho biết, đây là sản phẩm nghiên cứu đã hoàn chỉnh, có thể sử dụng ngay, nhóm nghiên cứu rất muốn thương mại hóa sản phẩm này, họ sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp để vừa giảm giá thành điều trị cho bệnh nhân ung thư, vừa đưa được sản phẩm khoa học công nghệ của Việt Nam ra thị trường.