Ngày 14.5 tới, ông chủ của Facebook sẽ tròn 34 tuổi. Mark Zuckerberg đã trải qua hai ngày kỳ lạ nhất trong đời mình: mặc đồ vest, ngồi ghế cao, đối thoại với cả Thượng viện và Hạ viện suốt 10 giờ đồng hồ, gần 600 câu hỏi và là tâm điểm của truyền thông thế giới.

Sau khi vượt qua thách thức này, tài sản của anh tăng thêm 4 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu chuyển màu xanh.

Cuộc sống 3.0

“Cuộc sống 3.0: Trở thành con người trong thời đại của trí tuệ nhân tạo” – đó là tựa của tập sách đang gây tranh cãi, gây hào hứng lẫn lo lắng của Max Tegmark. Ở chương mở đầu của sách, ông kể về một nhóm nghiên cứu đỉnh cao của thế giới quyết định đóng cửa phòng, và xây dựng một con siêu máy tính có trí tuệ nhân tạo cao nhất trong lịch sử loài người. Và việc đầu tiên mà con robot này được chỉ định làm, là… phim hoạt hình. Nhưng nó không làm theo cách bình thường. Nó “xem” lại hết các bộ phim hoạt hình có doanh thu lớn trong lịch sử để tìm ra điểm chung của các phim. Sau đó nó nghiên cứu tất cả các bài báo khen chê, các chiến dịch truyền thông, các ý kiến người xem ở mọi nơi. Sau đó nó đối chiếu với các xu hướng xã hội, các trào lưu ở thời điểm phim công chiếu. Nó lại nghiên cứu về phong cách vẽ, thể loại âm nhạc, cách xây dựng cốt truyện.

Tóm lại, từ một núi dữ liệu khổng lồ, con siêu robot này chiết xuất cho những bí quyết làm phim hoạt hình mà đảm bảo tung ra là ăn khách. Và sau khi khá hài lòng với kết quả nghiên cứu, nó bắt tay vào sản xuất bộ phim, xây dựng chiến dịch truyền thông… Toàn bộ quá trình này diễn ra bằng máy tính, dữ liệu lớn và khả năng tự học của máy. Con người chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Thành công vang dội, siêu máy tính nhanh chóng tạo ra một đế chế phim hoạt hình và các tập đoàn truyền thông…

Cho đến một ngày, siêu máy tính vươn vòi ra tới lãnh vực chính trị. Nó biết chính xác tâm tư nguyện vọng của từng người dân ở mỗi quốc gia, biết cách xây dựng một chiến dịch tranh cử như thế nào để hợp lòng từng nhóm đối tượng dân chúng nhất. Và nó biết cách khống chế các chính trị gia phải làm theo mong muốn của nó vì nắm giữ tất cả các bí mật của cuộc đời họ, kể cả những bí mật sâu kín nhất, vì nó đọc không sót một câu chữ, phân tích không sót một bức ảnh nào mà trong quá khứ họ đã từng đưa lên mạng. Và cuối cùng, nó liên kết tất cả các chính trị gia trong guồng máy này, hình thành nên một siêu chính phủ mà nó nắm quyền kiểm soát.

Mark Zuckerberg tại phiên điều trần. Ảnh: Qz.com

Câu chuyện có phần viễn tưởng này, làm người ta lo sợ. Lo sợ, vì khả năng xảy ra là có thật. Máy tính đã tiến hóa tới một bước cao hơn, để hiểu con người hơn cả những chuyên gia tâm lý học lành nghề nhất, bởi nó có nhiều dữ liệu hơn để phân tích, và nó lạnh lùng hơn trong mọi phán đoán của mình.

Bởi vậy, khi mà 87 triệu tài khoản Facebook bị rò rỉ thông tin, và một công ty tư vấn chính trị sử dụng dữ liệu này để xây dựng chiến lược tranh cử cho một cá nhân nào đó, thì sẽ là ác mộng, không chỉ của đối thủ cạnh tranh, mà của cả quốc gia đó.

Vì vậy, Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ, để những nhà lập pháp được hỏi cho cặn kẽ các vấn đề họ quan tâm, không chỉ để xây dựng hoặc sửa đổi luật pháp cho phù hợp với thời kỳ mới, mà còn để công chúng thấy được trách nhiệm của nhà nước với vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn này.

Chàng kỹ sư giữa quốc hội

Các buổi điều trần trước vốn dành để Quốc hội chất vấn các quan chức chính phủ, nay dần mở rộng đối tượng ra những công dân bình thường hoặc đại diện các tổ chức tư nhân, mà Quốc hội đánh giá là hoạt động của họ gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và việc chất vấn họ là để phục vụ cho việc xây dựng chính sách. Hằng năm, có khá nhiều phiên điều trần, nhưng chẳng mấy thu hút sự quan tâm của công chúng. Trước Mark Zuckerberg, có hai vụ điều trần lớn mà đối tượng là giám đốc các tập đoàn tư nhân đã từng diễn ra: Bảy CEO các tập đoàn thuốc lá để chuẩn bị cho luật phòng chống tác hại thuốc lá và các chủ ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính, và Chủ tịch Ủy ban chứng khoán khi khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra.

Chuyện của Mark, là phải ra trước hai phiên:Ủy ban Năng lượng và Thương mạicủa Hạ viện vàỦy ban Thương mại, Khoa học, và Giao thôngcủa Thượng viện. Đây không phải là phiên toà mà chỉ là một buổi đối thoại giữa Quốc hội và người được điều trần. Điều đó có nghĩa là Mark Zuckerberg sẽ không phải chịu một hệ quả pháp lý nào sau buổi điều trần, trừ trường hợp anh không trả lời thật các câu hỏi của Quốc hội.

Lý thuyết là như vậy, nhưng khi mà cả thế giới đều dõi theo từng diễn biến của cuộc đối thoại, và Facebook là một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, thì không ai biết hệ quả của phiên điều trần này sẽ dẫn đến đâu. Vậy nên, tất cả những luật sư, nhà tư vấn vận động chính trị, chuyên gia truyền thông, chuyên gia về chiến lược, nhóm các nhà khoa học dữ liệu và cả chuyên gia về hình ảnh đã được mời đến hỗ trợ. Báo chí rất thỏa mãn với việc phân tích vì sao anh chàng có phần phóng khoáng này mặc bộ đồ vest hiếm hoi, hình như là lần thứ 4 trong cuộc đời khi xuất hiện trước công chúng, kể cả lần đám cưới của mình. Đó là dấu hiệu “nhập gia tùy tục” chăng? – nhiều người lý giải. Và cũng lần đầu tiên, người ta biết anh chàng này chỉ cao có 1,7m nên phải “gia cố” thêm cái nệm dày 10cm để khi ngồi không bị thấp bé so với các ông bà nghị sĩ. Người ta cũng để ý thấy mái tóc được chải ép sát chứ không để bay bổng tự do, gắn với lời mở đầu thường trực: “Thưa nghị sĩ” một cách hoàn toàn khuôn phép…

Báo chí cũng phân tích từng câu, từng đoạn, từng phản ứng của chàng kỹ sư Harvard ngày nào khi phải đối diện các chính trị gia lành nghề và lão luyện. Bình tĩnh, cất giấu cảm xúc và chừng mực trong hầu hết các câu trả lời. Nhưng Washington Post luôn chú giải rằng, các câu trả lời đều không thể hiện đầy đủ bức tranh của câu chuyện mà Facebook đang gặp phải.

Cộng đồng mạng cũng chia rẽ sâu sắc khi nửa bên này ủng hộ hết mình anh Mark, một nửa khác cười nhạo và cho rằng anh nên từ chức vì sự ấp úng trong quá nhiều câu. Nửa khác thì lại điềm tĩnh chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra khi một thanh niên khởi nghiệp trẻ măng phải bước chân vào chính trị một cách bất đắc dĩ…

Tự dưng, tôi nhớ một cuộc khảo sát rất lớn của Mỹ, phỏng vấn các bậc cha mẹ rằng tố chất quan trọng nhất mà họ muốn dạy cho con mình. Kết quả đưa ra khá thú vị, dẫn đầu gần như tuyệt đối là “tính trách nhiệm”. Và thông điệp xuyên suốt nhất của Mark trong ngần ấy thời gian, là tinh thần trách nhiệm, sự nhận lỗi và tính cầu thị.

Mark không mang trong người khả năng hùng biện, khả năng đối đáp của chính trị gia. Anh cũng không thể hiện vị thế của một “ngôi sao”. Anh chỉ đơn thuần xuất hiện với vai trò một sáng lập viên của công ty khởi nghiệp thành công nhất thế giới, và làm hài lòng hầu hết những người yêu quý anh. Bởi vậy, tài sản của anh tăng mạnh sau phiên điều trần này, như một tín hiệu rõ ràng nhất của một trật tự thế giới mới: sự xuất hiện của các nhà khởi nghiệp trong bức tranh chính trị tổng thể của một quốc gia, dù đó là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.