Ngày 19-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Việc có tới 50,6% (37/73) các điều khoản của Luật GDĐH 2012 được sửa đổi, bổ sung hứa hẹn nhiều thay đổi trong thời gian tới, khi luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Ngoài việc cập nhật về định nghĩa, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật cho phù hợp với sự thay đổi trong tổ chức hệ thống giáo dục - đào tạo và Luật Giáo dục nghề nghiệp, có một số điểm đáng chú ý trong Luật sửa đổi lần này.

1. Phân tầng đã được loại bỏ ra khỏi Luật, đồng nghĩa với việc không còn phân loại các trường đại học thành 3 nhóm -định hướngnghiên cứu, định hướngứng dụng, và định hướng thực hành (điều 9). Theo Luật sửa đổi chỉ còn 2 loại hình trường đại học: định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Như vậy Nghị định 73/2015/NĐ-CP về xếp hạng và phân tầng được hiểu sẽ phải được sửa đổi căn bản, theo đó, chỉ còn tồn tại xếp hạng.

2. Điều 16 về Hội đồng trường (HĐT) đã quy định rõ chủ tịch HĐT KHÔNG kiêm các chức vụ quản lý. Như vậy, chủ tịch HĐT không còn được đồng thời nắm giữ các chức vụ như hiệu trưởng, hiệu phó hay chủ nhiệm khoa; tuy nhiên, quy định này không loại trừ kiêm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy.

Như vậy, theo Luật sửa đổi, việc lựa chọn chủ tịch HĐT chỉ còn rơi vào đại diện Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên và doanh nghiệp/tổ chức ngoài trường. Hoặc người được bầu chọn phải được miễn nhiệm khỏi các nhiệm vụ quản lý trước đó. Dù sao đây cũng là một bước đi tích cực nhằm tránh tình trạng ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’ trong quản lý và quản trị đại học.

Sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Ảnh: dantri.com.vn

3. Từ Điều 16-20: Luật sửa đổi quy định các chức năng của HĐT cụ thể hơn so với Luật 2012, theo đó HĐT có vai trò quyết định trong các vấn đề từ chiến lược, kế hoạch phát triển, tổ chức hoạt động, cơ cấu tổ chức, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tài chính, nhân sự cao cấp và các nguồn lực khác… đến trách nhiệm giải trình, trách nhiệm pháp lý của trường.

Trong khi đó, vai trò chủ yếu của hiệu trưởng là tổ chức toàn bộ các hoạt động của nhà trường; còn Hội đồng Khoa học có chức năng tư vấn về các vấn đề đào tạo, nghiên cứu cho hiệu trưởng. Sự sắp xếp này đã tiệm cận gần hơn mô hình quản trị đại học của phương Tây, tuy nhiên chưa chắc phù hợp với thực tiễn tổ chức công lập ở Việt Nam. Liệu HĐT có thể đảm nhận và thực hiện các chức năng này hay không khi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối trong nhà trường trên thực tế không thuộc về họ.

Việc bỏ qua hoặc ẩn đi vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cũng như mối quan hệ giữa tổ chức này với HĐT, Ban giám hiệu, Hội đồng Khoa học trong Luật có thể dẫn tới tình trạng HĐT chỉ có danh mà không có thực quyền như thời gian qua và việc quản trị đại học công có thể tiếp tục bị chồng chéo, và không đạt hiệu quả kỳ vọng.

4. Kiểm định chất lượng và các yêu cầu đảm bảo chất lượng khác đã được sử dụng làm điều kiện cho tự chủ. Đây là một tiến bộ đã được giới chuyên môn đề xuất từ hàng chục năm nay, đến nay đã được luật hóa.

5. Điều 32-34 của Luật sửa đổi đã đưa ra định nghĩa rõ hơn về quyền tự chủ, trong đó bàn đến tự chủ của nhà trường và các đơn vị trong trường. Tuy nhiên, tự do học thuật cũng như tự chủ của đội ngũ giảng viên hầu như chưa được nhắc đến hoặc quy định không rõ nét. Đây là điểm mấu chốt, không thể bỏ qua trong phát triển giáo dục đại học trong thời gian tới.

6. Một điểm tiến bộ nữa là Luật sửa đổi ràng buộc quyền tự chủ, cụ thể trong tuyển sinh và mở ngành đào tạo, với trách nhiệm giải trình.

7. Khung trình độ quốc gia đã được kết nối với các yêu cầu xây dựng chương trình đào tạo (Điều 36). Việc này rất quan trọng để đảm bảo Khung trình độ quốc gia có thể ‘đi vào cuộc sống’ và đem lại giá trị thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực.

8. Luật sửa đổi (Điều 37) cho phép đào tạo theo cả hệ tín chỉ và niên chế, tức là các trường không bắt buộc phải chuyển sang đào tạo hệ tín chỉ. Sửa đổi này đặt ra một số câu hỏi về khả năng liên thông, chuyển đổi và công nhận tín chỉ giữa các trường, chương trình trong nước và quốc tế khi các trường chọn đào tạo theo hệ niên chế. Trong một chừng mực nào đó, đây có thể coi là một bước lùi trong nỗ lực cải tiến tổ chức đào tạo đại học.

9. Điều 38 sửa đổi đã đề cập khái niệm ‘phụ lục văn bằng’ khi quy định việc cấp văn bằng. Đây là một điểm tiến bộ nữa, góp phần hỗ trợ việc công nhận văn bằng của các chương trình đào tạo khác nhau. Song do Luật sửa đổi chỉ nhắc đến tên gọi này mà không quy định đây là chứng từ bắt buộc phải có, các trường đại học sẽ phát hành hoặc không. Tuy nhiên vấn đề này có thể được quy định thêm bằng văn bản dưới luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

10. Về mảng đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, điều dễ nhận thấy là thuật ngữ Đảm bảo chất lượng đã được đổi thành Bảo đảm chất lượng trong nhiều trường hợp. Cần lưu ý là thuật ngữ Đảm bảo chất lượng đã được thống nhất sử dụng rộng rãi trên toàn hệ thống từ hàng chục năm nay; các đơn vị phụ trách mảng này tại các trường được gọi là trung tâm/đơn vị đảm bảo chất lượng. Việc Luật sửa đổi điều chỉnh thuật ngữ, về cơ bản ngữ nghĩa không thay đổi (theo Từ điển Hoàng Phê 2001), sẽ gây xáo trộn và mất ổn định không cần thiết cho hệ thống đảm bảo chất lượng.

11. Điểm đáng chú ý cuối cùng nhưng không kém quan trọng là việc quy định các trung tâm kiểm định chất lượng phải ĐỘC LẬP với các đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức. Đây là một bước đi cần thiết tiến tới thực hiện nguyên tắc độc lập trong kiểm định chất lượng, nhưng cũng đặt ra một số thách thức cho các trung tâm kiểm định chất lượng hiện đang trực thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng khi họ chỉ còn 7 tháng để chuẩn bị cho bước “ra ở riêng” này.

Như vậy, có thể thấy phạm vi điều chỉnh, sửa đổi của Luật GDĐH lần này đã động chạm đến nhiều vấn đề từ quản trị đại học, tự chủ và trách nhiệm giải trình đến đảm bảo chất lượng, khung trình độ quốc gia. Tuy nhiên không khó để thấy những thay đổi này chủ yếu xử lý những bất cập trong giai đoạn phát triển giáo dục đại học vừa qua, tức là những vấn đề của hiện tại và quá khứ, mà chưa rõ tính dự báo, hoặc mang tính định hướng cho tương lai.

Mặc dù đã có nhiều điểm tiến bộ, về cơ bản các điểm bổ sung, sửa đổi là các chi tiết nhỏ, lẻ. Vẫn còn nhiều vấn đề mấu chốt về hệ thống, mô hình chưa được xử lý rốt ráo, do vậy, sẽ còn tiếp tục được mổ xẻ và điều chỉnh trong thời gian tới.