Trong cuốn sách "Cú hích" (nguyên bản tiếng Anh: Nudge, đã được xuất bản ở Việt Nam), hai tác giả Thaler và Sunstein tổng hợp ba nhóm yếu tố tâm lý chủ đạo của con người mà kiến trúc lựa chọn dựa trên đó để thay đổi hành vi của họ.

Tác giả Sunstein.

Một kiến trúc sư lành nghề đôi khi chỉ cần thay đổi kết cấu căn phòng một chút là có thể tạo ra một không gian kết nối mà mọi thành viên gia đình đều muốn trở về. Nhà quản lý đô thị chỉ cần cung cấp thông tin tiêu thụ điện trung bình của những người xung quanh cũng có thể giúp lượng điện sử dụng của một hộ gia đình giảm xuống. Những người làm chính sách cũng vậy, đôi khi chỉ cần thiết kế sẵn một số lựa chọn mặc định là có thể giúp tăng tỷ lệ tham gia đáng kể trong các chương trình có đặc tính tự nguyện như mua bảo hiểm, tiết kiệm hưu trí hay hiến nội tạng.

Kinh tế học hành vi cung cấp khá nhiều bằng chứng cho thấy lựa chọn của con người bị tác động bởi bối cảnh. Hay nói cách khác, chỉ cần sắp đặt bối cảnh ra quyết định, nhà kiến trúc lựa chọn có thể hướng người khác vào một mục tiêu định trước. Trong cuốn sách Cú hích (nguyên bản tiếng Anh: Nudge, đã được xuất bản ở Việt Nam), hai tác giả Thaler và Sunstein tổng hợp ba nhóm yếu tố tâm lý chủ đạo của con người mà kiến trúc lựa chọn dựa trên đó để thay đổi hành vi của họ.

Thứ nhất, con người luôn bị thiên lệch. Họ thường hành động theo hệ thống tự động, tiềm thức, không kiểm soát, không nỗ lực. Thứ hai, con người luôn bị cám dỗ, chẳng hạn dù biết ăn nhiều sẽ béo phì nhưng lại không thể dừng trước sự hấp dẫn của món ăn. Thứ ba, con người có tâm lý bầy đàn, chịu tác động khá lớn từ thông tin xã hội. Thaler và Sunstein - một người là giáo sư Đại học Chicago và vừa nhận giải Nobel Kinh tế học năm nay, một người là giáo sư Trường Luật Harvard, đứng đầu Văn phòng thông tin và các vấn đề pháp lý của Tổng thống Obama giai đoạn 2009-2012 - viết rằng, các giáo trình kinh tế học luôn giả định con người kinh tế nghĩ như Albert Einstein, có bộ nhớ như một máy IBM và có năng lực tinh thần như Mahatma Gandhi, trong khi con người thật của chúng ta khác hẳn.

Vậy nên tạo cú hích như thế nào để người ta đi đúng hướng? Hay một cách hàn lâm hơn, thiết kế lựa chọn như thế nào để giảm sự thiên lệch do các cá nhân thường quyết định/ lựa chọn dựa trên cảm tính? Cuốn sách của Thaler và Sunstein tóm lược sáu nguyên tắc hích có vẻ phức tạp về mặt thuật ngữ nhưng đã được các tác giả làm cho giản dị và hấp dẫn vô cùng khi thảo luận các ứng dụng trong ba phần: Các quyết định liên quan đến tiền, như tiết kiệm, đầu tư, tiếp cận tín dụng, hay lương hưu; các lựa chọn liên quan đến sức khỏe hay bảo vệ môi trường và các quyết định liên quan đến sở thích cá nhân như chọn trường lớp hay hôn nhân.

Daniel Kahneman - nhà kinh tế học hành vi đoạt giải Nobel năm 2002 - đã bình phẩm như thế này: “Cuốn sách sẽ làm thay đổi cách bạn ra quyết định và sẽ làm thế giới này tốt đẹp hơn”.