Đó là ý kiến của luật sư Đậu Thị Quyên - đồng sáng lập và là CEO của Trung tâm Tư vấn quản trị tài sản trí tuệ Việt Nam (VIPMAC) - khi nhận định về hàng loạt vụ việc sử dụng không xin phép tác phẩm của người khác xảy ra trong lĩnh vực xuất bản thời gian gần đây.

Chuyện tác phẩm "Hoa cúc áo"

Gần đây, giới văn học xôn xao khi nhà văn Trần Đức Tiến lên tiếng về việc tác phẩm “Hoa cúc áo” của ông bị Công ty CP mỹ thuật và truyền thông - Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam - sử dụng dưới tên một tác giả khác (Thu Hương) và chuyển thể sang truyện tranh mà không hề xin phép. Thậm chí, họ đã tái bản cuốn sách có tác phẩm này tới lần thứ tám mà ông không hay biết.

Tương tự, tác phẩm “Kỳ nhông trốn tìm” của ông cũng bị đơn vị này lấy in và tái bản mà không hỏi ý kiến tác giả, thậm chí còn tự ý thêm chữ “chơi” vào trong tiêu đề truyện.

Ngay sau khi biết được phản ứng của nhà văn, Công ty CP mỹ thuật và truyền thông đã gửi công văn đến Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam - đơn vị được ông Tiến ủy quyền - giải thích sự việc và đề xuất phương án bồi thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tiến thì “họ không thẳng thắn thừa nhận sai lầm, không tích cực tìm cách sửa sai”.

Sau đó, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã có công văn phản hồi nêu rõ, hành vi của công ty trên đã xâm phạm nghiêm trọng các quyền của tác giả theo quy định tại điều 28, Luật SHTT và yêu cầu bồi thường hơn 100 triệu đồng. Đến nay, công ty vẫn chưa có phản hồi.

Truyện "Hoa cúc áo" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Ảnh: Tuổi trẻ
Truyện "Hoa cúc áo" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Ảnh: Tuân Vũ

Nhận định về sự việc trên, luật sư Đậu Thị Quyên nói: “Tôi không được tiếp xúc với hồ sơ mà chỉ biết thông tin qua báo chí nên không khẳng định Công ty CP mỹ thuật và truyền thông có vi phạm hay không và vi phạm những điều khoản nào của Luật SHTT. Dựa vào dữ liệu các bên trình bày được báo chí đăng tải, tôi cho rằng để giải quyết được tranh chấp, cần làm rõ tác phẩm “Hoa cúc áo” thuộc quyền sở hữu của ai, của nhà văn Trần Đức Tiến hay đơn vị tổ chức cuộc thi mà ông đã gửi tác phẩm tham dự vào năm 2005 - tức NXB Giáo dục Việt Nam. Nếu như điều lệ cuộc thi quy định rõ đơn vị tổ chức được toàn quyền sở hữu các tác phẩm dự thi (thông thường là như vậy) thì ông Tiến chỉ có quyền nhân thân (quy định ở điều 19 Luật SHTT) đối với tác phẩm “Hoa cúc áo” và chủ sở hữu - tức NXB - sẽ có quyền tài sản, quy định tại điều 20 Luật SHTT. Nếu hai bên không có thỏa thuận về quyền sở hữu thì mới xem xét vấn đề “Hành vi vi phạm quyền tác giả” ở điều 28 Luật SHTT mà Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam nêu ra trong công văn. Tôi được biết NXB cũng đã chú thích “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến” ở trang bìa lót”.

Tác giả cần thiết lập cuộc chơi

Vị luật sư này cũng cho biết: “Thực tế, bản quyền trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam là một sân chơi thiếu công bằng cho nhiều tác giả và người sáng tạo. Các vi phạm điển hình thường đến từ phía NXB hoặc bên thứ ba mạo danh tác giả, không xin phép, không trả tiền nhuận bút, thù lao... Đơn cử, mới đây, nhà thơ Mặc Giang và Nhật Thu mang tác phẩm “Việt Nam thi sử hùng ca” do họ sáng tác đến nhờ ông Trần Trí Trung xin giấy phép xuất bản giúp. Tuy nhiên, khi tác phẩm này được in thì hai nhà thơ tá hỏa vì tên tác giả in trên tập thơ là... Trần Trí Trung!”.

Nhận xét về hành vi NXB không xin phép tác giả khi sử dụng tác phẩm của họ, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng: “Không xin phép tác giả là hành vi vi phạm cả về pháp lý và đạo lý, không thể chấp nhận được. Đó cũng là một dạng trộm cắp tài sản, ở đây là tài sản trí tuệ”.

Theo luật sư Quyên, để hạn chế tình trạng bị dùng tác phẩm không phép, các tác giả cần thiết lập luật chơi ngay từ đầu: “Họ phải nắm rõ các quy định của Luật SHTT về quyền nhân thân, quyền tài sản để quyết định có bán đứa con tinh thần cho bên nào hay không, bán trong thời hạn bao lâu và trong phạm vi nào, để hai bên có cơ sở khai thác tác phẩm một cách rõ ràng. Đồng thời, các tác giả cũng cần lưu chứng tác phẩm gốc ngay sau khi sáng tạo để đảm bảo không phát sinh tranh chấp về bản quyền trong tương lai. Trong môi trường kỹ thuật số và văn hóa ứng xử với bản quyền chưa nghiêm minh như Việt Nam, các tác giả cần vận dụng tốt các biện pháp bảo vệ mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp, như các biện pháp hành chính, dân sự... đã được quy định cụ thể trong luật” - luật sư Đậu Thị Quyên nói.

Chùm truyện ngắn “Khi thạch thùng vỗ cánh”, “Kỳ nhông trốn tìm”, “Hoa cúc áo”, “Tia nắng” của tác giả Trần Đức Tiến - Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu - đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác thơ, truyện cho lứa tuổi mầm non do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức năm 2005.