Hợp tác giữa Vingroup và Cornell để xây dựng một đại học đẳng cấp thế giới ở Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, bắt đầu từ việc giành được lòng tin của sinh viên và các bậc phụ huynh.

Hai bên mới đây đã ký kết hợp tác để xây dựng đại học “đẳng cấp thế giới” đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội vào năm 2020 - một mục tiêu cao nhưng không hẳn là phi thực tế với tiềm lực cũng như với động lực đưa tên tuổi Việt Nam xuất hiện trên bản đồ giáo dục thế giới của tập đoàn [Vingroup]. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu các gia đình có sẵn sàng bỏ hàng nghìn đô-la cho một món hàng điện tử mà ở mặt sau của nó có dòng chữ “Được thiết kế ở New York” và “Lắp ráp ở Việt Nam” không?

Trường Kinh doanh SC Johnson thuộc Đại học Cornell, đơn vị ký thỏa thuận tư vấn với Vingroup hồi đầu năm nay, sẽ tư vấn thiết kế chương trình đào tạo; tuyển dụng nhân sự; và tư vấn, thiết lập vận hành quản trị. Trong cuộc phỏng vấn cho một bài báo khác, đại diện [của Cornell] nhiều lần nhấn mạnh với tôi rằng trường đại học mới không phải là cơ sở chi nhánh ở nước ngoài hay cơ sở mở rộng của ngôi trường thuộc Ivy League này. Trường Đại học VinUni, như Vingroup dự kiến đặt tên, sẽ là trường 100% sở hữu trong nước và được quản lý bởi người Việt. Ở Việt Nam, phụ huynh chi phối (đúng hơn là “ra”) quyết định con cái họ sẽ theo học trường nào, đến cả chuyên ngành nào. Đại học VinUni sẽ phải rất vất vả để đảm bảo rằng đầu tư của phụ huynh là đáng đồng tiền bát gạo.

VinUni đặt mục tiêu trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới đầu tiên của Việt Nam. Trong ảnh: Phối cảnh thiết kế mặt trước khuôn viên Đại học VinUni. Nguồn: bacsinoitru.vn

Cornell muốn đứng ở hậu trường và để cho người Việt chèo lái ngôi trường nhưng tôi chưa nhìn ra bằng cách nào Vingroup có thể tạo thương hiệu cho VinUni mà không dựa quá nhiều vào mối quan hệ với đối tác quốc tế. Chỉ riêng việc các giảng viên của Cornell “thật” sẽ không tham gia giảng dạy tại các khóa học (Cornell chịu trách nhiệm việc tuyển giảng viên, nhưng những giảng viên này là nhân sự của VinUni) cũng đủ làm cho việc thuyết phục các bậc phụ huynh trở nên khó khăn hơn.

Các gia đình sẽ rất thận trọng với một chương trình đào tạo chưa có kết quả kiểm chứng, đặc biệt là khi chương trình không có một trường đại học ở nước ngoài chống lưng. VinUni sẽ cần chứng minh họ có thể phát triển hợp tác với khối doanh nghiệp để mang lại cho sinh viên cơ hội thực tập và việc làm; và họ cũng phải chứng minh được các trường đại học ở nước ngoài sẽ chấp nhận tấm bằng của họ như tấm vé vào cửa cho các chương trình đào tạo sau đại học. Cornell chưa bao giờ nói với tôi về bất kỳ kế hoạch kiểm định chất lượng nào, nếu có, được bàn đến nhưng VinUni sẽ cần sự công nhận của các cơ quan kiểm định chất lượng trước khi thuyết phục được các gia đình hoàn toàn tin tưởng và gửi con theo học.

VinUni cần trở nên khác biệt về học thuật, trải nghiệm của người học, và các kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp mà không khiến các bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang.

Đại học Fulbright Việt Nam đang khởi động một chương trình đào tạo đầy tham vọng, cũng vào năm 2020, nhằm mang đến phương pháp giáo dục học tập thông qua tình huống: sinh viên sẽ làm việc với đội ngũ cố vấn để xây dựng một bộ các câu hỏi cần trả lời trong suốt quá trình học tập và phải trả lời những câu hỏi này. Liệu các bậc phụ huynh Việt Nam có hiểu phương pháp đó không? Ở một đất nước nơi các gia đình chọn ngành học dựa trên một số nghề nghiệp cụ thể và mức thu nhập, tôi nghi ngờ ý tưởng này sẽ có sức thuyết phục. Trong khi đó, Đại học RMIT Việt Nam đưa ra loạt các ngành học chuẩn mực hơn ở lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật, và nghệ thuật đồ họa, rất phù hợp với thị trường trong nước.

Vượt qua trở ngại “Made in Vietnam” đòi hỏi phải có sự tuyển dụng đội ngũ giảng viên cẩn trọng, cam kết từ các trường đại học nước ngoài rằng các chương trình sau đại học sẽ mở cửa đối với sinh viên tốt nghiệp VinUni, và khả năng là, phải có chính sách giảm giá học phí mạnh tay cho những người học đầu tiên sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Điều đó, không may là, cũng có thể buộc VinUni phải giảm nhẹ các yếu tố nội địa.

Một trường đại học trong nước được xếp hạng quốc tế, cuối cùng phải mang lại cho sinh viên Việt Nam một nền giáo dục nội địa nhưng bằng cấp lại có giá trị như những tấm bằng quốc tế được cấp tại đây hoặc ở nước ngoài. Kế hoạch xây dựng đại học đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận rất đáng được khen ngợi nhưng vẫn cần chờ xem liệu “Made in Vietnam” có thành công ở Việt Nam không.