Đây là một khám phá mang tính cách mạng có thể giúp điều trị bệnh trầm cảm.

Lần đầu tiên trong lịch sử của ngành y học nói riêng và lĩnh vực khoa học nói chung, các nhà nghiên cứu đã quan sát được quá trình hình thành và ra đời của tế bào thần kinh (noron) trong bộ não động vật.

Các tế bào thần kinh mới sinh có màu đỏ. Nguồn: Phòng thí nghiệm Losonczy, Đại học Columbia
Các tế bào thần kinh mới sinh có màu đỏ. Nguồn: Phòng thí nghiệm Losonczy, Đại học Columbia

Phát hiện này đã chứng minh được tầm quan trọng của những noron mới sinh trong vai trò ghi nhớ những dạng kí ức khác nhau. Đây là một quá trình thiết yếu có thể giúp điều trị các chứng rối loạn trầm cảm, lo âu và căng thẳng.

Trong thời gian trước, luôn tồn tại một niềm tin sai lầm rằng ngay từ khi sinh ra đời, chúng ta đã có đầy đủ tế bào não. Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng chứng minh rằng một số vùng đặc thù trong não bộ luôn tạo ra tế bào thần kinh mới trong suốt cuộc đời.

Các lát cắt mô não cho thấy rằng phần lớn tế bào thần kinh mới đều được sinh ra ở hồi hải mã (hippocampus), một cấu trúc não hình cá ngựa đóng vai trò rất quan trọng cho việc học tập và trí nhớ.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế trực thuộc Đại học Columbia ở New York (Mỹ) đã sử dụng một số kĩ thuật phức tạp để tìm ra phát hiện có tính chất cách mạng này. Đầu tiên, họ sẽ cấy một thiết bị nano bao gồm một bộ phận kính hiển vi thu nhỏ vào não của một con chuột sống. Các nhà khoa học cũng biến đổi gen những con chuột để làm tế bào thần kinh của chúng phát sáng.

Tuy miêu tả nguyên tắc có vẻ đơn giản, nhưng để kết hợp những kĩ thuật này lại chung với nhau là một điều vô cùng khó khăn. Đó cũng chính là lí do mà đến bây giờ con người mới có đủ trình độ khoa học để thực hiện thành công.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát và xem xét hoạt động các tế bào thần kinh của chuột và đồng thời thực hiện một số thí nghiệm để khám phá chức năng của những tế bào thần kinh này. Họ sẽ cho những con chuột chạy trên máy chạy bộ và thay đổi cảnh quan của môi trường xung quanh, bao gồm hình ảnh, màu sắc, âm thanh và mùi hương.

Ví dụ, những con chuột có thể nghe thấy âm thanh du dương, ngửi thấy một mùi hương chuối và nhìn thấy ánh sáng màu xanh.

Những lần khác, chúng sẽ ngửi được mùi hương chanh và nhìn thấy loại ánh sáng nhấp nháy. Nhóm nghiên cứu cũng thỉnh thoảng cho những con chuột bị sốc điện nhẹ để chúng có những trải nghiệm khó chịu.

Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy, những tế bào thần kinh mới ra đời đóng vai trò quan trọng và đặc biệt trong quá trình xử lý bộ nhớ cũng như dự trữ những kỉ niệm có tính chất đặc thù.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, những tế bào thần kinh mới sinh ra đời đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt giữa hai sự kiện tương tự nhưng lại khác nhau. Chẳng hạn như một tiếng súng với một tiếng nổ lốp xe. Việc không thể phân biệt được giữa những sự kiện này chính là nguyên nhân dẫn đến các chứng rối loạn hoảng sợ và hồi hộp lo lắng.

Những tế bào thần kinh mới sinh cũng có thể có tác động đến những loại rối loạn thần kinh khác. Ví dụ, các nhà khoa học nhận thấy rằng sự ra đời của các tế bào thần kinh mới đã làm suy giảm chứng trầm cảm và tâm thần phân liệt.

Điều này cũng có thể giải thích được nguyên nhân vì sao phần lớn các loại thuốc chống trầm cảm đều kích thích vào vùng hồi hải mã mới mang lại tác dụng hiệu quả.