Hồi sinh sự thần kỳ Nhật Bản là cuộc đối thoại giữa hai cha con tác giả Ryoichi Mikitani (1929-2013) và Hiroshi Mikitani (sinh năm 1952) về mọi mặt của xã hội Nhật Bản: kinh tế, giáo dục, y tế, việc làm, với mong muốn phục hồi sự phát triển thần kỳ như từng có trước đây.

Trong khoảng hơn 20 năm kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản đã làm cả thế giới ngỡ ngàng bởi tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc. Từ chỗ suy kiệt hoàn toàn sau chiến tranh, đến đầu những năm 1970, Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.

So với năm 1950, năm 1973 tổng giá trị sản phẩm quốc nội của Nhật Bản tăng hơn 20 lần, vượt qua cả các cường quốc là Anh, Pháp, CHLB Đức thời kỳ đó. Nhật Bản đã vươn lên dẫn đầu các nước tư bản về sản xuất các mặt hàng như xe máy, máy khâu, ti vi; đứng thứ hai về sản lượng thép, ô tô, xi măng; thu nhập bình quân đầu người tăng vọt, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Để có được sự phát triển ngoạn mục đó, Nhật Bản đã tập trung và phát triển về mọi mặt, từ yếu tố con người (phổ cập giáo dục, đào tạo công nhân lành nghề, chú trọng giáo dục bậc cao) đến việc tích lũy vốn và sử dụng vốn hiệu quả (thời kỳ này Nhật Bản duy trì tỉ lệ tích lũy vốn cao - từ 30-35% thu nhập quốc dân - đồng thời sử dụng đồng vốn hiệu quả); bên cạnh đó là việc tiếp cận và ứng dụng nhanh chóng tiến bộ khoa học kỹ thuật, và sử dụng việc điều tiết của nhà nước hợp lý và hiệu quả...

Hai cha con tác giả: Kinh tế gia Ryoichi Mikitani (trái) và doanh nhân, tỷ phú Hiroshi Mikitani. Ảnh: rakuten.today

Với một nền kinh tế phát triển, đến năm 2016, tính theo GDP, Nhật Bản đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng dưới con mắt của một trong những kinh tế gia hàng đầu Nhật Bản và một doanh chủ của một trongnhững công ty thương mại điện tử và Internet ở tầm cỡ thế giới, hai cha con Mikitanilại thấy những bất cập của xã hội Nhật Bản, những yếu kém và thậm chí thụt lùi của nền kinh tế,có thể dẫn đến việc Nhật Bản không theo kịp và không đủ sức dự phần vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Dựa trên nền tảng của đề xuất “Lại là Nhật Bản” do Hiroshi Mikitani soạn thảo khi là thành viên của Hội đồng Sức Cạnh tranh Quy mô Ngành nghề - một trong ba hội đồng đóng vai trò kiểm soát kế hoạch hồi sinh nền kinh tế (Abenomics) của Thủ tướng Abe, hai cha con đã đối thoại về công cuộc tái kiến thiết Nhật Bản, mà thực chất là chỉ ra các sức mạnh cần thiết để đưa nền kinh tế và đất nước lên một bước phát triển mới.

Trong đối thoại về sức mạnh cách tân, hai cha conMikitani cho rằng, “tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với tạo dựng sự cách tân”, nhưng để có được sự cách tân ấy, Nhật Bản phải tìm cách khắc phục những hạn chế của mình, mà một trong số đó là “căn bệnh Nhật Bản”, như hiệu ứng Galapagos hay sự cô lập với thế giới. “Một vấn đề khác là công nghệ và các chính sách của Nhật Bản không đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu. Sở dĩ như thế là vì chúng được phát triển cho nội địa Nhật Bản. Một số công ty toàn cầu đang xử lý vấn đề này,”Hiroshi Mikitani viết.

Điều thú vị là dù tham gia vào kế hoạch hồi sinh nền kinh tế của Thủ tướng Abe, nhưng hai cha con vẫn giữ sự phản biện với chính sách này cũng như có cái nhìn nghiêm khắc với chính phủ, tức là vẫn phải có sức mạnh trong việc nghi ngờ Abenomics (đưa ra những điểm tán thành và phản đối của chính sách này), và cho rằng chi phí quản trị nhà nước của Nhật Bản hiện quá cao (các khoản thuế cao và tiện ích công đắt đỏ).

“Giảm chi phí của dịch vụ chính quyền vào GDP 3 điểm phần trăm đồng nghĩa với việc giảm chi phí chung cho việc quản trị nhà nước khoảng 8%. Nói cách khác, nếu mức hiện giờ là 100 thì nó sẽ giảm xuống còn 92. Thành thật mà nói, con cảm thế ngay cả như thế vẫn còn là quá ít. Nếu có quyền, con sẽ cắt mức 100 đó xuống còn 50 không chút ngần ngại.”

Nhưng hai cha con cho rằng sức mạnh cạnh tranh mới là nền tảng để phát triển, bởi “cạnh tranh là cơ sở cho một nền kinh tế tự do”, “sức cạnh tranh là quan trọng với nền tảng nhà nước, với vốn tư bản, với việc làm, với nền văn hóa và với thương hiệu”.Hay nói như Ryoichi Mikitani, “Chừng nào Nhật Bản còn là một quốc gia thương mại, chúng ta còn cần sức cạnh tranh để thành công.”

Dù Nhật Bản đã phát triển vững mạnh trong hơn một nửa thế kỷ, nhưng với cái nhìn sâu sắc của một kinh tế gia tầm cỡ và nhiệt huyết của vị chủ tịch Rakutenvới tổng tài sản ước tính khoảng 9 tỉ USD, hai cha con Mikitani nhận thấy rằng nước Nhật đang đối mặt nhiều nguy cơ: sự quan liêu bóp nghẹt sự cách tân, nền kinh tế giảm tốc, nợ quốc gia tăng lên. Cuộc đối thoại của hai cha con hòng tái kiến thiết nước Nhậtkhông chỉ là cái nhìn thấu suốt vào xã hội Nhật Bản mà cả vào tình hình thế giới,đồng thời là một bản đề xuất cải tổ và phát triển tỉ mỉ cho những quốc gia đang tìmđường phát triển cho riêng mình.