Khi gặp điều kiện khô hạn, gấu nước sẽ tạo ra lớp vỏ thủy tinh bao quanh mình để ngăn các phần cơ thể tan rữa.

loai-vat-ngu-yen-trong-quan-tai-thuy-tinh-cho-hoi-sinh

Lớp vỏ thủy tinh sinh học bao quanh gấu nước. Ảnh: Flickr.

Theo International Business Times, tardigrade, hay gấu nước, gần như vô hình nếu nhìn bằng mắt thường do cơ thể chỉ dài tối đa 1,5 mm. Tardigarde được coi là một trong những loài vật có sức sống bền bỉ nhất trên hành tinh nhờ khả năng sinh tồn trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt từ một đến 100 độ C. Chúng có thể chịu được áp lực lớn gấp 6 lần áp suất tại nơi sâu nhất dưới biển.

Các nhà khoa học phát hiện protein ở tardigrade có thể chuyển hóa giữa dạng vỏ mềm và cứng như thủy tinh tùy theo mức nước. Cấu tạo protein giúp tardigrade sống nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ mà không cần nước. Khi được cấp nước đầy đủ, protein của chúng ở dạng mềm. Tuy nhiên, khi mất nước, các protein bắt đầu xếp thành một lớp vỏ cứng. Theo nhóm nghiên cứu, lớp vỏ này là một loại thủy tinh sinh học nhằm ngăn các bộ phận cơ thể tan rữa.

"Hầu hết các dạng sống đều cần nước. Tuy nhiên, một số tổ chức sinh vật có thể tồn tại dù mất nước hoàn toàn. Hiểu rõ cơ chế tồn tại khi mất nước có thể mang đến nhiều ứng dụng, như biến đổi thực vật chịu hạn và ổn định vật liệu sinh học", Thomas Boothby, nhà nghiên cứu ở Đại học North Caralina, Mỹ, cho biết.

Khi nhóm nghiên cứu bổ sung nước cho tardigrade trong lớp vỏ thủy tinh, chúng hồi sinh trở lại, lớp vỏ biến mất và loài vật lại hoạt động bình thường. Các nhà khoa học công bố phát hiện trong cuộc gặp thường niên của Hiệp hội sinh vật học tế bào Mỹ hôm 15/12.

Nhóm nhiên cứu cũng thử tìm hiểu vỏ thủy tinh sinh học của tardigrade có phát huy hiệu quả ở các tổ chức sinh vật khác hay không. Họ đưa các protein vào vi khuẩn và men. Kết quả cho thấy khả năng chịu đựng tình trạng mất nước của chúng tăng gấp 2 - 3 lần. Bước tiếp theo của nghiên cứu là làm rõ lớp vỏ thủy tinh hoạt động như thế nào trong suốt thời kỳ mất nước.