Nhiều người tỏ ra nghi ngờ thành tích tăng GDP ấn tượng trong báo cáo kinh tế chính thức mới đây của Trung Quốc.

Theo tạp chí New York Times, quan chức ngành thống kê ở một số nước thường có truyền thống thổi phồng số liệu GDP (hoặc “tô đẹp” cho thành tích vốn dĩ nghèo nàn) để thể hiện diện mạo của một quốc gia vững mạnh. Bên cạnh đó, những sai sót cũng rất dễ xảy ra trong quá trình thu thập và xử lý dữ liệu, nhất là tại những khu vực còn ít hay kém phát triển như nông thôn. Để kiểm chứng sự “xào nấu” này, và cũng là để các quốc gia trở nên trung thực hơn, một nghiên cứu mới do Đại học Chicago thực hiện đã chỉ ra rằng: có thể sử dụng hình ảnh từ vệ tinh để đối chiếu với những con số trong báo cáo kinh tế do các quốc gia cung cấp, dựa trên thực tế tiêu thụ năng lượng (cụ thể là hoạt động chiếu sáng) ở những khu vực có thể quan sát được từ trên vũ trụ.

Các khu vực trên nước Mỹ nhìn từ vệ tinh. Ảnh: NASA

Các khu vực trên nước Mỹ nhìn từ vệ tinh. Ảnh: NASA

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh mật độ chiếu sáng vào ban đêm – chỉ dấu đáng tin cậy cho thấy công nghiệp phát triển hay không – với những con số chính thức do chính quyền công bố, từ đó phát hiện ra rằng: các quốc gia có nền dân chủ “mong manh” hay thậm chí không tồn tại như Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên, đã thổi phồng số liệu GDP lên đến 15 – 30 %. Ngược lại, chính quyền ở những xứ sở mang lại nhiều tự do cho người dân thì cũng thường đưa ra các đánh giá khách quan và chính xác hơn về thực trạng của nền kinh tế.

Kết quả trên cũng làm dấy lên những thắc mắc về hiệu quả của cơ chế “kiểm soát - cân bằng” (check and balance) – đặc trưng của nền dân chủ – trong việc hạn chế khả năng thao túng thông tin của chính quyền, trong đó có thổi phồng số liệu kinh tế – nhà nghiên cứu Luis Martinez nói với The Washington Post.

Động lực nào khiến các chính quyền phải đạo diễn số liệu? Đó có thể là để thuyết phục thế giới lẫn người dân của họ, cho thấy thành tích tốt của các lãnh đạo chính trị (nhất là trước kỳ bầu cử), bên cạnh tính chính danh trong hồ sơ xin tài trợ nước ngoài.

Tất nhiên, dự đoán và theo dõi số liệu GDP của các quốc gia là một công việc còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Điều này càng đặc biệt đúng trong hoàn cảnh dữ liệu thu thập không đủ hoặc thiếu đi những tiêu chuẩn tham chiếu tốt, cũng như GDP trên thực tế chỉ phản ánh được sức mua của nền kinh tế chứ không phải hạnh phúc của người dân. Chẳng hạn, nếu một nước thực hiện chính sách bán tất cả tài nguyên thiên nhiên, GDP của nó sẽ bùng nổ trong thời gian ngắn trước khi sụp đổ – điều đã được kiểm chứng.

Cũng cần phải lưu ý rằng trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã tính đến nhiều tham số – thay đổi giữa các quốc gia. Và ngay cả trong trường hợp những nền kinh tế phát triển theo các khuynh hướng khác nhau, thì đều dẫn đến cùng một kết quả đáng ngạc nhiên, đó là: Hầu hết các chính quyền toàn trị (authoritarian) đều đang nói dối.