Phải chăng sự thiếu vắng gương mặt nữ Việt Nam trên các bục vinh quang của khoa học thế giới là do nhà khoa học nữ của chúng ta có ít điều kiện tỏa sáng hơn đồng nghiệp nước ngoài?

Tinh thần dấn thân đã giúp Marie Curie - nhà vật lý học, hóa học Pháp gốc Ba Lan - trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới hai lần đoạt giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau và được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất thế giới.

Việc bà cùng chồng tìm ra nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần urani nguyên chất - được đặt tên là Poloni và nguyên tố có cường độ phóng xạ cực mạnh Radi trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn đã khiến cái tên ghi Marie Curie được in đậm vào lịch sử khoa học, tạo cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học nữ sau đó theo đuổi đam mê nghiên cứu cũng như khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao.

Thạc sỹ Ngô Thị Hoài - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang nghiên cứu về hệ thống mô phỏng xác định và điều khiển tư thế vệ tinh quan sát Trái đất có độ chính xác cao. Ảnh: Lê Loan
Thạc sỹ Ngô Thị Hoài - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang nghiên cứu về hệ thống mô phỏng xác định và điều khiển tư thế vệ tinh quan sát Trái đất có độ chính xác cao. Ảnh: Lê Loan

Tuy nhiên, những ngôi sao nữ sáng chói như vậy không có nhiều trên bầu trời khoa học. Trong số 197 giải Nobel Vật lý từng được trao, chỉ có 2 tác giả là nữ. Với giải Nobel Hóa học, con số này là 4/169. Việc phụ nữ chưa chiếm ưu thế trong nghiên cứu là tình hình chung của thế giới.

Vì vậy lâu nay, điều này dường như là một thực tế dễ chấp nhận ở Việt Nam. Nhưng phải chăng chúng ta vẫn nên tiếp tục coi đó là chuyện đương nhiên, khi năng lực, vai trò và đóng góp thực tế của phụ nữ cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đã được thừa nhận là không thua kém nam giới?


Phụ nữ dấn thân vào nghiệp khoa học là một sự dũng cảm, bởi những gian nan mà họ phải vượt qua lớn hơn nam giới. Và vẫn luôn tồn tại những rào cản khiến họ không thể phát huy tối đa nội lực để bứt phá trong nghiên cứu. Nhưng rào cản lớn nhất là định kiến xã hội, cơ chế hay từ chính bản thân nhà khoa học - khi đâu đó ở những quốc gia Hồi giáo mà phụ nữ có địa vị phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới như ở Lebanon - vẫn xuất hiện nhà khoa học nữ có nghiên cứu đột phá, được ghi vào danh sách nhà khoa học nữ tài năng tầm thế giới?

Nhìn từ giải thưởng L’Oréal - UNESCO for women in science (Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học) do Qũy L’Oréal và UNESCO tổ chức: Hơn 10 năm qua, đã có 2.250 nhà khoa học nữ tại hơn 110 quốc gia được tôn vinh ở tầm quốc tế, trong đó Việt Nam chỉ có duy nhất một cái tên được xướng lên.

Có lẽ, điều làm nên sự khác biệt chính là tinh thần dấn thân, vượt qua các rào cản của xã hội và chính mình của chính nhà khoa học nữ. Đây cũng là quan điểm của rất nhiều nhà khoa học nữ trẻ tuổi của Việt Nam đương đại, những người khẳng khái cho rằng trong khoa học không nên có sự phân biệt hay ưu ái về giới tính và bất cứ ai cũng phải nỗ lực hết mình nếu muốn chiếm lĩnh đỉnh cao.