“Không có môn khoa học nào không quan trọng, không có ngành khoa học nào là không còn đầy bí ẩn để khám phá; nhưng chắc chắn rằng khoa học về sự sống, sinh học có vai trò ngày càng lớn”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định điều này tại lễ bế mạc cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 (IBO 2016). Cuộc thi năm nay do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này gần đây cho thấy phát triển sinh học nói chung và công nghệ sinh học nói riêng là nhu cầu lớn của đất nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Công nghệ sinh học nở rộ

Tại cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27, Việt Nam có 4 học sinh tham dự. Kết quả, cả 4 thí sinh đều giành được huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Em Vũ Thị Chinh - học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - đã xuất sắc giành Huy chương Vàng.

Hoạt động nghiên cứu tại Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Tuấn
Hoạt động nghiên cứu tại Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Tuấn

Nói về thành tích này của các thí sinh Việt Nam trong cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, nhờ có khoa học, các nhà khoa học và cả những người đam mê khoa học mà nhiều điều tưởng chừng chỉ có trong cổ tích, tưởng chỉ là mơ ước đã trở thành hiện thực, làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Thực tế ngành công nghệ sinh học tại Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những bước tiến đáng kể. Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Tạ Thành Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết, chỉ trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã đào tạo được một đội ngũ các nhà khoa học trẻ khá mạnh về lĩnh vực này ở các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Nhiều nhà khoa học đã có những công trình về sinh học công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng nhất thế giới như Nature, Science, Lancet…

“Các nhà khoa học y khoa nghiên cứu về công nghệ sinh học sẽ là động lực giúp các kết quả nghiên cứu có thể đi thẳng vào ứng dụng trong y học lâm sàng, phục vụ công tác phòng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh” - GS-TS Tạ Thành Văn nói.

Theo ông Văn, ở Việt Nam, một số sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong công tác điều trị bệnh đã được đầu tư nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm như protein tái tổ hợp, kháng thể đơn dòng, vật liệu nano…

Việc nghiên cứu các chế phẩm hỗ trợ điều trị, tăng cường khả năng miễn dịch của con người cũng được chú trọng. Nổi bật nhất là các chế phẩm sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, áp dụng trong việc điều trị các bệnh đái tháo đường, gout, cao huyết áp, xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc từ tủy xương, mô mỡ đã được đưa vào điều trị thử nghiệm để điều trị một số bệnh ung thư, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương khớp, chấn thương thần kinh…, bước đầu mang lại kết quả đầy hứa hẹn.

“Các kỹ thuật chẩn đoán sinh học phân tử và tế bào học trong ung thư đã trở thành kỹ thuật thường quy tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam. Điều này đã phần nào khẳng định trình độ của đội ngũ khoa học, công nghệ trong nước” - GS-TS Tạ Thành Văn nhìn nhận.

Chú trọng phát hiện, nuôi dưỡng tài năng

Mặc dù khẳng định tất cả các môn khoa học đều quan trọng và còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, trước yêu cầu của thực tế cuộc sống, khoa học về sự sống, sinh học đã, đang và sẽ có vai trò ngày càng quan trọng. Việc phát hiện, nuôi dưỡng các tài năng khoa học trẻ nói chung, tài năng khoa học trẻ về sinh học nói riêng là vô cùng cần thiết. Việc tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế là hành động hết sức ý nghĩa và quan trọng phục vụ mục đích đó.

Từng đưa ra đề xuất cho công tác chuẩn bị nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ sinh học, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng công tác này phải được chú trọng ở tất cả các cấp học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học.

TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, nguyên Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN - nói: “Cần dành chỉ tiêu để đào tạo đội ngũ cán bộ về công nghệ sinh học trình độ cao từ dự án nguồn nhân lực thuộc các bộ, ngành, địa phương. Cần đẩy mạnh công tác đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ KH&CN ở trong nước và nước ngoài với các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên… đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực để phục vụ tốt cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam”.