Israel là nước nghèo tài nguyên, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô hạn, thường xuyên thiếu nước. Nhờ áp dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), Israel đã vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là trong nông nghiệp, khiến cả thế giới phải ngả mũ kính phục.

Những thành tựu đáng kinh ngạc

Khi người Do Thái di cư vào vùng Trung Đông từ cuối thế kỷ 19, phần đất đai họ mua lại chủ yếu là khô hạn và nửa khô hạn, không thể canh tác được do hậu quả của nạn phá rừng, xói mòn đất và hoang hóa. Khí hậu và tình trạng thiếu nước khiến cho việc canh tác nông nghiệp tưởng như bất khả thi.

Thế nhưng, giờ đây Israel lại nổi tiếng toàn cầu về hiệu suất và sản lượng. Năm 2010, một nông dân Israel làm việc có thể cung cấp thực phẩm cho 113 người, so với chỉ 17 người trong giai đoạn đầu thập niên 1950. Ngành nông nghiệp nước này đóng góp 1,9% tổng sản phẩm quốc gia trong năm 2010, tạo việc làm cho 64.000 người làm việc trực tiếp - tương đương khoảng 2% dân số.

Bất chấp sự suy giảm đều đặn số lượng người tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Israel vẫn có khả năng sản xuất 95% nhu cầu thực phẩm của mình và xuất khẩu lượng nông sản trị giá 2,4 tỷ USD vào năm 2012. Các sản phẩm xuất khẩu chính là nông sản tươi sống (chủ yếu sang châu Âu) và thực phẩm chế biến. Ngoài ra, Israel còn xuất khẩu lượng sản phẩm phụ trợ cho nông nghiệp trị giá 2,87 tỷ USD trong năm 2010, chủ yếu là các công cụ sản xuất, công nghệ và dịch vụ. Giá trị xuất khẩu công nghệ thể hiện tầm quan trọng của công nghệ nông nghiệp Israel trong cộng đồng thế giới.

Thành tựu nổi bật nhất của khoa học nông nghiệp Israel là công nghệ tưới nhỏ giọt. Hãng sản xuất dụng cụ tưới nhỏ giọt Netafim, hiện hoạt động trên 150 quốc gia, góp vốn vào 37 công ty và 12 nhà máy trên toàn thế giới. Năm 2015, nhà sáng chế Mehudar của Netafim tuyên bố “nếu đặt các ống dẫn được chúng tôi bán mỗi năm nối liền với nhau, có thể tạo thành một đường ống bao quanh trái đất 100 lần”. Một tạp chí kinh tế học của Ấn Độ vào năm 2010 thừa nhận kỹ thuật này “ảnh hưởng đáng kể đến việc tiết kiệm tài nguyên, giá thành canh tác, sản lượng cây trồng và lợi nhuận”.

Không ai có thể phủ nhận KH&CN chính là nhân tố làm nên “điều thần kỳ Israel”: Nước này có mức đầu tư cho KH&CN lớn thứ hai trên thế giới tính theo tỷ lệ GDP và có số lượng kỹ sư, kỹ thuật viên, nhà khoa học tính trên đầu người cao nhất thế giới. Kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel là đầu tư cho khoa học kỹ thuật và các giải pháp triển khai các thành tựu khoa học trong thực tế sản xuất.

Theo con số tuyệt đối, nông nghiệp Israel đầu tư 100 triệu USD mỗi năm (hơn 3% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp) cho nghiên cứu và phát triển (R&D) - trong đó một nửa từ ngân sách nhà nước.
Nền nông nghiệp Israel đạt nhiều kỳ tích nhờ đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Ảnh: Pikiwiki
Nền nông nghiệp Israel đạt nhiều kỳ tích nhờ đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Ảnh: Pikiwiki

Hoạt động R&D trong nông nghiệp tại Israel

Sự đầu tư trọng điểm không mới, nhưng chính những quyết sách táo bạo và sự hỗ trợ của chính phủ là yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả đầu tư lớn. Hằng năm, một ban chỉ đạo quốc gia về R&D trong nông nghiệp làm nhiệm vụ xác định các ưu tiên nghiên cứu của quốc gia. Trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu sẽ có một ban chỉ đạo chuyên ngành gồm các chuyên gia làm nhiệm vụ xác định ưu tiên, theo dõi tiến độ, các thành tựu của các hoạt động nghiên cứu.

Bí quyết của thành công của nền nông nghiệp Israel là sự hợp tác và tương tác chặt chẽ giữa ba bên: Nhà khoa học nhận tài trợ của nhà nước, các cơ quan dịch vụ hỗ trợ khoa học và nông dân. Cơ quan Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp (Shaham) là đơn vị hỗ trợ và điều phối các hoạt động canh tác theo mục tiêu và theo hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp. Các đơn vị chức năng của Shaham cũng làm nhiệm vụ tư vấn chính sách cho nhà nước. Sự hợp tác này tạo điều kiện triển khai nhiều kết quả khoa học phức tạp trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cải tiến công nghệ, kỹ thuật tưới tiêu và các thiết bị hóa nông hiện đại, giúp triển khai một cách rộng rãi các phương pháp canh tác có hàm lượng khoa học cao, định hướng xuất khẩu.

Chính phủ Israel và các thiết chế công cung cấp kinh phí nghiên cứu cho Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia (ARO) và quỹ dành cho Văn phòng các Nhà khoa học hàng đầu (OCS). ARO là cơ quan nghiên cứu chính của chính phủ về nông nghiệp, chịu trách nhiệm tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu, thực hiện khoảng 75% các nghiên cứu nông nghiệp trên toàn lãnh thổ. OCS trực thuộc Bộ Kinh tế Israel, chịu trách nhiệm thúc đấy sự phát triển của hoạt động R&D trong phạm vi quốc gia.

Sự thành lập OCS năm 1974 là nhân tố quan trọng dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về đầu tư R&D trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nguồn tài trợ khác đến từ nguồn vốn hợp tác quốc tế, chẳng hạn các quỹ nghiên cứu song phương với Mỹ và EU, các cơ quan của nông dân cấp quốc gia, cấp vùng và đầu tư của khối tư nhân.

Đáng chú ý, đầu tư của khối tư nhân chủ yếu hướng đến các sản phẩm có thể đảm bảo về quyền sở hữu trí tuệ. Phần lớn trong số các nghiên cứu được thực hiện bởi các công ty sản xuất các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón, hạt giống, nhựa, thiết bị tưới tiêu, nhà kính và các sản phẩm liên quan. Các đơn vị này cũng ứng dụng kết quả nghiên cứu của khối công lập. Tại ARO cũng có một đơn vị chuyên trách thực hiện các hoạt động kinh doanh là Kidum R&D.

Đơn vị này thực hiện các công việc liên quan đến chuyển giao công nghệ, xúc tiến việc tiếp xúc giữa các nhà khoa học của ARO và các khách hàng tiềm năng, tạo cơ hội kinh doanh và kết nối các dự án, sản phẩm và tri thức đang có với nhu cầu tiềm năng từ khách hàng.
Trong những năm gần đây, đầu tư từ khối tư nhân đã tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần lớn hơn trong hoạt động nghiên cứu của quốc gia và mở rộng hoạt động xuất khẩu.

Để tăng sức cạnh tranh, nông nghiệp Israel chủ yếu dựa trên các công nghệ có hàm lượng khoa học cao trong đó các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, các ngành công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp cùng làm việc với nhau để giải quyết các bài toán thực tiễn. Các vấn đề này rất đa dạng, bao hàm từ di truyền học thực vật, kiểm soát ánh sáng cho đến canh tác trên đất khô hạn. Mấu chốt của sự thành công này là dòng thông tin hai chiều giữa nhà nghiên cứu và nông dân.