Một quần thể khỉ mũ mặt trắng, hay khỉ thầy tu, tại Panama đang bước vào thời kỳ đồ đá. Chúng bắt đầu biết sử dụng các công cụ bằng đá để đập vỡ hạt và động vật có vỏ.

Theo New Scientist, những con khỉ này sống trên đảo Jicarón thuộc Vườn quốc gia Coiba, Panama. Vườn quốc gia Coiba có ba hòn đảo riêng biệt đều có khỉ mũ sinh sống, nhưng chỉ có một nhóm khỉ đực sống tại một khu vực cụ thể trên đảo Jicarón mới biết dùng công cụ đá.

Khỉ mũ mặt trắng trên đảo Jicarón sử dụng đá để đập vỡ hạt. Ảnh:Barrett.
Khỉ mũ mặt trắng trên đảo Jicarón sử dụng đá để đập vỡ hạt. Ảnh:Barrett.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện hành vi này chỉ xuất hiện hạn chế trong một số khu vực địa lý", Brendan Barrett, tác giả chính của nghiên cứu tại Viện Max Planck (Đức), cho biết.

Vào năm 2004, đồng tác giả nghiên cứu Alicia Ibáñez nhận thấy khỉ mũ tại Vườn quốc gia Coiba biết dùng công cụ đá. Ibáñez và các cộng sự quay trở lại nơi đây vào tháng 3/2017. Họ đặt camera quan sát trên cả ba hòn đảo để theo dõi hoạt động của những con khỉ.

Qua các đoạn phim quay được, nhóm nghiên cứu chứng kiến cách thức những con khỉ đực đập vỡ quả dừa, cua và ốc sên. Tuy nhiên, trong bài báo được công bố trên tạp chí bioRxiv vào tháng 6/2018, họ chưa thể giải thích tại sao hành vi này không lan rộng ra các nhóm khỉ khác trên đảo.

Video:Bầy khỉ mũ mặt trắng trên đảo Jicaron dùng đá đập vỡ thức ăn cứng

Khi nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm, việc dùng đá để đập vỡ hạt hay vỏ của các loài giáp xác giúp khỉ có nguồn thức ăn dồi dào hơn. Các nhà khoa học hy vọng rằng, nhiều nghiên cứu và những quan sát trong tương lai sẽ giúp giải thích những gì đang xảy ra.

Khỉ mũ mặt trắng là loài linh trưởng thứ tư ngoài con người được biết đến có khả năng sử dụng công cụ bằng đá. Một nhóm khỉ mũ khác sống tại Nam Mỹ đã biết dùng công cụ đá từ khoảng 700 năm nay. Hai loài còn lại là khỉ sống ở Thái Lan và tinh tinh Tây Phi.