Trái với nhận định cho rằng cộng đồng đang “kêu cứu”, người dân lại có xu hướng "ít phàn nàn" về tình trạng vệ sinh môi trường, trong khi các hộ kinh doanh cũng có thái độ thờ ơ.

Rác thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng | Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Rác thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng | Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Mới đây, WWF đã công bố kết quả nghiên cứu khảo sát hiện trạng chất thải nhựa tại Việt Nam do tổ chức này thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Đô thị giảm nhựa” với sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Na Uy.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát nhận thức, quan điểm và thói quen thải loại rác nhựa được thu thập từ gần 400 hộ gia đình, 300 hộ kinh doanh quy mô nhỏ và 300 đối tượng thu gom rác tại khu vực ven biển và kênh rạch của 4 địa phương Quảng Ninh, Kiên Giang, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, 24% số hộ gia đình được khảo sát không biết bất cứ quy định nào về rác thải và bảo vệ môi trường (như bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, tổng vệ sinh khu vực định kì...); 48% biết 1 trong các quy định; 29% biết 2 quy định trở lên. Nhận thức đó đã dẫn đến mới có khoảng 31% số hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nhà, và trên 55% số đối tượng thu gom thực hiện phân loại rác.

Trái với nhận định cho rằng cộng đồng đang “kêu cứu” về ảnh hưởng của rác thải, người dân lại có xu hướng "ít phàn nàn" về tình trạng vệ sinh môi trường. Chỉ có 34% số hộ gia đình cảm nhận không ổn về tình hình phát sinh rác thải nhựa và xả thải bừa bãi xung quanh nơi ở của họ, thấp hơn so với các nhóm đối tượng khác như hộ kinh doanh hay người thu gom. Trong khi đó, các hộ kinh doanh có thái độ thờ ơ đối với vấn đề môi trường như xả thải bừa bãi hay phương tiện thu gom không hiệu quả.

Kết quả khảo sát năm 2019 của WWF tại 4 địa phương ở Việt Nam
Kết quả khảo sát năm 2019 của WWF tại 4 địa phương ở Việt Nam | Nguồn: WWF

Chính nhận thức của cộng đồng về xử lý rác thải còn hạn chế, và kỳ vọng về tiêu chuẩn môi trường sống xanh sạch đẹp còn chưa cao khiến cho việc cải thiện tình hình gặp nhiều khó khăn.

Nghiên cứu ước tính, có trên 40% số hộ gia đình mỗi tháng thải ra từ 120-150 túi nilông/tháng và 60-120 chai nhựa hoặc hộp xốp. Phân tích dòng thải nhựa của các tỉnh thành năm 2019 chỉ ra rằng chỉ 13 – 27% rác thải nhựa quay lại thị trường tái chế, và con đường chính vẫn là qua khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của WWF chỉ ra rằng việc thiếu nguồn lực và năng lực thực thi của các bên liên quan, cũng như cơ chế phối hợp chưa hiệu quả và chưa xây dựng được thị trường tái chế chính thức cũng là các nguyên nhân gây ra bất cập trong việc quản lý môi trường ở nhiều địa phương.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống. Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các nước xả thải nhựa ra đại dương.

Dự án “Đô thị Giảm nhựa - Plastic Smart Cities” của WWF ở Việt Nam là một trong 5 dự án thí điểm tại châu Á, với mục tiêu tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không rác thải nhựa tại Đông Nam Á vào năm 2025 và 1.000 đô thị không rác thải nhựa trên toàn thế giới vào năm 2030.

Tại Việt Nam, WWF đã sàng lọc và chọn ra 4 thành phố phù hợp tham gia vào dự án “đô thị giảm nhựa” cho giai đoạn 2019-2020 là Quảng Ninh, Kiên Giang, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. (Tóm tắt kết quả khảo sát)

Dự án sẽ triển khai 04 nhóm hoạt động (i) khảo sát hiện trạng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động giảm ô nhiễm rác nhựa tại các thành phố được lựa chọn; (ii) hỗ trợ liên kết các ngành có liên quan đến sử dụng và thải loại nhựa; (iii) hỗ trợ thực hiện các mô hình thí điểm giảm nhựa tại những khu vực được lựa chọn tại các thành phố; và (iv) truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.