Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, nằm ở vị trí án ngữ trên con đường hàng hải nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, từ xưa, Việt Nam đã tham gia vào con đường thương mại trên biển, chứng kiến những thời kỳ bùng nổ giao thương quốc tế qua vùng biển của mình.

Ngày nay, có vùng biển ở Việt Nam được ví như "nghĩa địa tàu cổ", nơi hàng loạt tàu đắm được phát hiện cùng các hiện vật cả nghìn năm tuổi mà phần lớn còn chưa được khai quật. Theo PGS Mark Staniforth - nhà khảo cổ học dưới nước thuộc Đại học Flinders (Úc) - Việt Nam có tiềm năng khảo cổ học dưới nước rất lớn.

Công tác khảo cổ dưới nước.

Thế nhưng chúng ta lại chưa thể chủ động khai thác tiềm năng đó bởi ngành khảo cổ học dưới nước còn chưa thực sự hình thành ở Việt Nam, theo nhận định của giới chuyên môn.

Từ những năm 1960, các nhà khảo cổ học của chúng ta đã tiến hành một số cuộc khảo sát, khai quật tại các di tích chìm ngập và bến cảng cổ.

Đến những năm 1990, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và trục vớt trong và ngoài nước khai quật các tàu cổ ở Vũng Tàu, Kiên Giang, Hội An...

Tuy nhiên chưa có cuộc khai quật nào do các nhà khảo cổ học Việt Nam có chứng chỉ khảo cổ học dưới nước trực tiếp tiến hành” - PGS.TS Tống Trung Tín thuộc Viện Khảo cổ học - khẳng định.


Năm 2013, Viện Khảo cổ học lần đầu tiên được phép thành lập Phòng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước do TS Lê Thị Liên làm trưởng phòng. Song đến nay, Phòng chưa được trang bị bất kỳ thiết bị gì, việc bố trí nguồn kinh phí thường niên cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước cũng mới chỉ được gọi là bắt đầu, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Tất nhiên, khảo cổ học dưới nước không chỉ bao gồm việc khai quật những con tàu đắm nhưng riêng công việc này đã mang lại cho chúng ta nhiều nhận thức mới về quá khứ, chẳng hạn như người Việt đã tham gia tích cực như thế nào vào con đường thương mại trên biển hoặc các mối giao lưu buôn bán quốc tế trên biển Việt Nam đã nhộn nhịp ra sao.

Cảm giác bất lực, không thể chạm tới những con tàu cổ mà mình biết rõ ở đâu và giá trị cỡ nào hẳn là “nỗi đau” của những chuyên gia tâm huyết với ngành khảo cổ học dưới nước. Họ đã mong mỏi biết bao sẽ có ngày ngành khảo cổ học dưới nước sở hữu những trung tâm nghiên cứu chuyên nghiệp; có đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước được đào tạo bài bản, có khả năng lặn khảo sát và nghiên cứu sâu vài chục mét đến hàng trăm mét; có các con tàu được trang bị hiện đại với các phòng nghiên cứu, xử lý phân tích dữ liệu và bảo tồn cấp thời tại chỗ...

Khi đó khác nào họ có được câu thần chú để mở cửa vào những kho báu di sản đang nằm im lìm dưới mặt nước.