Các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch bọ ba thùy với mắt phải có thể là con mắt cổ xưa nhất từng phát hiện.

Mắt phải của hóa thạch bọ ba thùy có thể là con mắt cổ xưa nhất từng được khai quật. Ảnh: International Business Times.
Mắt phải của hóa thạch bọ ba thùy có thể là con mắt cổ xưa nhất từng được khai quật. Ảnh: International Business Times.

Nhóm các nhà khoa học châu Âu phát hiện hóa thạch bọ ba thùy tồn tại cách đây 530 triệu năm với mắt phải còn khá nguyên vẹn ở Estonia, International Business Times hôm qua đưa tin. Con mắt bị mòn một phần giúp họ xem xét kỹ các chi tiết của cấu trúc mắt.

Bọ ba thùy là tổ tiên của nhện, cua và có liên hệ gần với loài sam ngày nay. Bọ ba thùy sinh sống trong đại Cổ sinh cách đây 540 - 250 triệu năm. Mắt của sinh vật này có thể là tiền thân của mắt kép, kiểu mắt lớn cấu tạo từ rất nhiều phần nhỏ riêng biệt, tương tự như mắt ong hay chuồn chuồn.

Tuy nhiên, mắt bọ ba thùy cổ đại không có thấu kính như các sinh vật ngày nay. "Mắt kép của nó sở hữu cấu trúc giống như mắt các loài ong và chuồn chuồn hiện đại, nhưng thiếu những thấu kính điển hình của loại mắt này", các nhà nghiên cứu cho biết.

"Hóa thạch kỳ lạ này cho chúng ta biết cách sinh vật cổ đại ngắm nhìn thế giới từ hàng trăm triệu năm trước. Đặc biệt, nó hé lộ rằng cấu trúc và chức năng của mắt kép gần như không thay đổi qua nửa tỷ năm", giáo sư Euan Clarkson tại Đại học Edinburgh nói với BBC.

Những hóa thạch từ hàng trăm triệu năm trước được bảo quản tốt như vậy rất hiếm. "Đây có lẽ là mẫu mắt cổ xưa nhất con người có thể tìm thấy", giáo sư Brigitte Schoenemann tại Đại học Cologne, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.

"Những mẫu vật cổ xưa hơn trong các lớp trầm tích bên dưới hóa thạch này chỉ chứa một chút dấu vết của các sinh vật. Chúng quá mềm để chuyển thành hóa thạch và đã phân hủy theo thời gian", Schoenemann bổ sung.