Khu vực rộng khoảng 7.000 km2 ở Kazakhstan có thể trở thành môi trường sống cho gần 100 con hổ Ba Tư trong 50 năm tới.

ho-ba-tu-tuyet-chung-co-the-duoc-hoi-sinh-o-trung-a

Hổ Ba Tư tuyệt chủng từ những năm 1960 có thể xuất hiện trở lại ở Trung Á. Ảnh:WWF/Helmut Diller.

Các nhà khoa học vừa công bố kế hoạch đưa loài hổ Ba Tư xuất hiện trở lại ở Trung Á, Mirror hôm 19/1 đưa tin.

Hổ Ba Tư, hay còn gọi là hổ Caspi, từng sống trong khu vực kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Quốc. Nó dài khoảng ba mét, nặng hơn 136 kg, là một trong những loài hổ lớn nhất từng xuất hiện trên Trái Đất. Hổ Ba Tư tuyệt chủng từ những năm 1960 do môi trường sống bị phá hủy và các hoạt động săn bắt của con nguời.

Trong nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Biological Conservation, các nhà khoa học đã tiết lộ kế hoạch hồi sinh hổ Ba Tư từ hổ Siberia, họ hàng gần của chúng.

Theo đó, địa điểm rộng khoảng 7.000 km2, nằm giữa đồng bằng sông Lli và hồ Balkhash, Kazakhstan, sẽ trở thành nơi sinh sống của loài hổ này.

"Việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là ngăn chặn sự xói mòn ở khu vực ven sông. Kế đó, chúng ta có thể mất 5-15 năm để khôi phục quần thể động vật có móng guốc hoang dã, con mồi chính của loài hổ Ba Tư, trong khu vực. Ngoài ra, vấn để an toàn và lợi ích kinh tế, xã hội của người dân địa phương cũng cần được giải quyết để xây dựng một tương lai bền vững cho cả con người và loài hổ", Mikhail Paltssyn, nghiên cứu sinh tiến sỹ, cho biết.

Nhóm nghiên cứu dự kiến trong 50 năm tới, địa điểm này có thể trở thành môi trường sống cho gần 100 con hổ Ba Tư.